Đầu tư cho thương hiệu

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp (DN) trong nước thực sự có chiến lược đầu tư xây dựng thương hiệu bài bản. Trong khi thương hiệu - tài sản vô hình - lại chính là yếu tố làm nên tên tuổi, phủ rộng thị trường, giúp DN thành công. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh thương hiệu là tất cả đối với DN, mất thương hiệu là mất thị trường. Bài học kinh nghiệm từ Khaisilk, Asanzo… là ví dụ điển hình.

Chăm chút khối “tài sản vô hình”

Theo bà Hồ Ngọc Yến, cán bộ Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vài năm trở lại đây, các thương hiệu lúa gạo, khoai lang, cây có múi (bưởi, cam sành), sầu riêng… được quan tâm nhiều hơn. Bà con nông dân ở tỉnh đã chủ động tham gia vào các hoạt động sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến thời điểm hiện tại, nhiều thương hiệu nông sản tỉnh Vĩnh Long đã có mặt khắp các tỉnh thành và vươn ra thế giới.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, giá trị về sở hữu trí tuệ ngày càng cao, ngay cả đối với  thị trường nội địa, chứ không riêng gì xuất khẩu. Tỷ trọng tài sản vô hình chiếm khoảng 84% (trong cơ cấu tài sản của DN), thậm chí là 97%, thay vì vài chục phần trăm như trước đây.

Do vậy, DN nên quan tâm đầu tư cho tài sản vô hình, bao gồm các yếu tố có liên quan như thương mại, kỹ thuật, pháp lý.... Làm sao để khi nhắc đến gạo, thế giới biết đến Việt Nam, tương tự như nói đến Thụy Sĩ là nhắc đến đồng hồ vậy.

Đầu tư cho thương hiệu ảnh 1 Sản xuất bóng đèn Điện Quang - một thương hiệu Việt. Ảnh: CAO THĂNG
Các chuyên gia kinh tế bổ sung, nếu không có thương hiệu, sản phẩm có nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi. Chưa kể, đến năm 2022, dự báo hàng giả bán trên thị trường toàn cầu có thể lên tới khoảng 3.000 tỷ USD. Đây là con số rất đáng lo ngại, nhất là đối với thị trường Việt Nam, khi mà lượng hàng giả, hàng nhập lậu đi theo đường tiểu ngạch, được phân phối rộng khắp.

Ngoài ra, việc nhái thương hiệu, tên miền của các DN cũng diễn ra khá phổ biến. Mới đây, tại hội thảo nhân sự kiện Ngày hội Du lịch trực tuyến 2019, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), dẫn chứng nước ta có khoảng 481.000 tên miền quốc gia “.VN” đã đăng ký. Nhưng chỉ có 760 tên miền sử dụng trong ngành du lịch.

Đáng chú ý, thống kê sơ bộ từ các cơ quan chuyên trách cho thấy Việt Nam có tới 40.000 DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhưng chưa có sự xây dựng, bảo hộ thương hiệu phù hợp. Vì vậy mới xảy ra câu chuyện các thương hiệu du lịch lớn của Việt Nam bị nhái thương hiệu, trầy trật khởi kiện tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, nhưng không thu được kết quả như mong đợi.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt

Dẫn chứng về thương hiệu sản phẩm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng trên thị trường trong nước và quốc tế, thương hiệu của DN là thông điệp về sản phẩm, dịch vụ, làm cầu nối đối với khách hàng. Chẳng hạn như nhắc đến Mỹ người ta nghĩ đến máy bay Boeing, Nhật Bản có ô tô Toyota, Hàn Quốc có Samsung…

Một nền kinh tế mạnh, có năng lực cạnh tranh cao phải có nhiều DN lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, tuổi thọ của một sản phẩm ngắn hơn trước rất nhiều. Trung bình cứ khoảng 6 tháng lại xuất hiện một mô hình điện thoại di động mới với tính năng vượt trội. Điều này thể hiện sự năng động, đổi mới.

Thế nhưng, các DN Việt Nam đã thực sự đổi mới, năng động? Trăn trở về điều này, TS Lê Đăng Doanh thông tin, theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được tổ chức Brand Finance công bố, tên miền “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Thế nhưng, 47% đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Trong cơ cấu xuất khẩu, 72% lượng hàng của Việt Nam do các DN FDI đóng góp với thương hiệu của họ. Tỷ lệ hàng xuất khẩu của DN Việt có thương hiệu Việt còn thấp. Một số nông sản Việt Nam như vải thiều, thanh long… được nước nhập khẩu tiểu ngạch đóng gói, tái xuất dưới thương hiệu của họ”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Muốn DN Việt vững vàng trên sân nhà, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần phát huy hơn nữa những lợi thế của DN dân tộc nhằm thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản xuất với thương hiệu quốc gia, tận dụng nhãn hiệu của sản phẩm sản xuất trong nước…

Một số ý kiến cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, không thể xem các DN FDI đầu tư tại Việt Nam cũng chính là DN Việt. Mà cần nhìn xa hơn, nếu những DN này dịch chuyển sang các quốc gia khác, trọng trách xây dựng, phát triển đất nước thuộc về chính các DN nội địa.

Tin cùng chuyên mục