Đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ: Bước chuyển lớn của các doanh nghiệp trong nước

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, trong những năm qua, nguồn kinh phí ngoài ngân sách cho riêng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã liên tục gia tăng. Năm 2016, tổng kinh phí dành cho hoạt động KH-CN đạt 33.905 tỷ đồng (ngân sách 17.730 tỷ đồng, từ doanh nghiệp 16.175 tỷ đồng). 

Như vậy, về cơ cấu chi cho KH-CN, ngân sách chiếm 52%, nguồn từ doanh nghiệp đã tăng lên 48%. Sự chuyển biến tích cực này có được nhờ doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới KH-CN và sự đầu tư trọng điểm của một số doanh nghiệp lớn. 

Những năm gần đây, các doanh nghiệp quốc doanh như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn VNPT đã có bước chuyển mạnh trong tái cơ cấu, đầu tư lớn cho KH-CN và bước đầu thu được những thành công.

Báo cáo mới nhất của Bộ KH-CN cho biết, trung bình, mỗi năm Viettel đã dành khoảng 4.500 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển. Doanh thu từ khối nghiên cứu sản xuất đạt 7.600 tỷ đồng năm 2015; 10.500 tỷ đồng năm 2016 và 12.500 tỷ đồng năm 2017. Hiện nay, Viettel đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao năm 2020 với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự đạt 1 tỷ USD.

Với khối ngoài quốc doanh, thời gian qua, những doanh nghiệp như FPT, CMC, VNG, BKAV… cũng đã thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi công nghệ, mô hình hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup định hướng 10 năm tới sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ có tầm quốc tế. Khát vọng lớn nhất của Vingroup là tạo ra hệ sinh thái thuận lợi để nuôi dưỡng các điều kiện khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, từ đó góp phần mở ra phát triển đột phá cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Vingroup sẽ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về công nghệ thông qua Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu KH-CN ứng dụng với mức đầu tư 2.000 tỷ đồng…

“Hiện tại, chúng tôi kêu gọi sự chung tay của các trí thức người Việt tại Việt Nam và thế giới cùng chung tay đưa Việt Nam tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các trí thức có thể về nước lập nghiệp, hoặc làm cầu nối, kết nối tri thức toàn cầu đến với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ đất nước” - ông Quang cho biết.

Với Tập đoàn FPT, sau khi rút dần khỏi mảng bán lẻ và phân phối thương mại, doanh nghiệp này đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành… Những nghiên cứu này là điểm then chốt để FPT trở thành đối tác tham gia chuyển đổi số, thậm chí là cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như: Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba… Năm 2017, FPT đã ra mắt nền tảng công nghệ FPT.AI cho cộng đồng với 2 cấu phần công nghệ xử lý giọng nói và nền tảng hội thoại FPT, hiện có hơn 4.000 nhà phát triển sử dụng; 1,5 triệu ký tự được chuyển thành giọng nói, tương đương hơn 27.000 giờ nói tự động; phát triển các ứng dụng tự động tương tác trò chuyện với người dùng cuối (chatbot) cho khách hàng trong một số lĩnh vực y tế, viễn thông, bán lẻ… 

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân khẳng định, chỉ khi có đầu tư lớn cho KH-CN, đổi mới công nghệ thì đất nước mới phát triển, theo kịp các quốc gia phát triển được. Nguồn lực xã hội và doanh nghiệp là rất lớn, vấn đề là cần tạo ra những cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, để các doanh nghiệp quyết tâm đổi mới công nghệ, đầu tư vào KH-CN. Để có được điều đó, ngoài tầm nhìn, mô hình hoạt động của từng doanh nghiệp, còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo số liệu của Bộ KH-CN, tính đến 31-12-2017, cả nước có 3.590 tổ chức đăng ký hoạt động KH-CN, trong đó có 1.629 tổ chức công lập và 1.961 tổ chức ngoài công. Cả nước hiện có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Ngoài ra, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH-CN trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, doanh nghiệp sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích chưa tiến hành đăng ký để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp KH-CN đạt 14.402 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2016 của các doanh nghiệp này đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2015, trong đó có 32 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục