Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia - Lợi thì có lợi…

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia - Lợi thì có lợi…

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung (MSTT) thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, có hiệu lực kể từ ngày 30-12-2016. Đây là bước khởi đầu tiến tới đấu thầu thuốc tập trung quốc gia trong thời gian tới. Điều này đang đặt ra những lợi ích hướng về người bệnh, nhưng liệu đã giải quyết được những bất cập trong tổ chức, phương thức đấu thầu cũng như trong cạnh tranh thương trường?

“Phá sản” đấu thầu thuốc tập trung địa phương

Để hạn chế bất cập trong đấu thầu thuốc riêng lẻ, năm 2013, TPHCM đã cho thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa công trực thuộc Sở Y tế để tiến hành đấu thầu thuốc tập trung. Tuy nhiên, sau 2 năm đấu thầu tập trung đã nảy sinh những tiêu cực, “lợi ích nhóm”, làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, từ năm 2016, việc đấu thầu thuốc lại trả về cho các bệnh viện (BV) tự chủ triển khai dựa trên kế hoạch dự trù. Trung tâm Mua sắm công chỉ còn mua tập trung một số lượng rất ít các loại thuốc phổ biến giá trị thấp.

Tại buổi báo cáo công tác y tế quý 4-2016 mới đây, Th.S Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế, cho biết trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, đấu thầu thuốc lại chuyển về hình thức đấu thầu riêng lẻ. Sở Y tế chỉ tổ chức đấu thầu tập trung 178 loại tân dược có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Sản xuất thuốc tại một nhà máy trong nước

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, với đấu thầu thuốc riêng lẻ, cơ quan chức năng chỉ cho phép chênh lệch giá thuốc giữa các hội đồng thầu là không quá 5% trong vòng 6 tháng kể từ khi có kết quả đấu thầu. Tức là vẫn thừa nhận có chênh lệch giá. “Toàn TP thực hiện 163 gói thầu với nhiều loại khác nhau. Dự kiến, tổng giá trị thuốc đấu thầu cho toàn TPHCM năm 2016 là hơn 9.535 tỷ đồng theo giá kế hoạch đã được phê duyệt”, PGS-TS Phong Lan nói.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi hình thức đấu thầu từ tập trung sang riêng lẻ, bà cho biết đấu thầu thuốc tập trung giúp tiết kiệm được chi phí, nhưng không phù hợp với thị trường rộng lớn có nhiều doanh nghiệp dược và nhiều BV như TPHCM. Điều này có nghĩa, mục tiêu ban đầu mà TPHCM thành lập Trung tâm Mua sắm công để tiến hành đấu thầu tập trung mua sắm thuốc gần như… phá sản!

Liệu có lợi ích nhóm?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc thành lập Trung tâm MSTT thuốc quốc gia. Theo đó, Trung tâm MSTT thuốc quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc MSTT cấp quốc gia do Bộ Y tế ban hành; tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá theo quy định của pháp luật… Thực tế, các chuyên gia đánh giá việc triển khai tiến tới đấu thầu thuốc tập trung quốc gia là chậm, bởi chủ trương đã có từ nhiều năm nay, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và đáng lý ra theo lộ trình năm 2016 đã thực hiện. Chưa nói đến những vướng mắc khi thành lập Trung tâm MSTT thuốc quốc gia nói trên, vấn đề đặt ra là quy chế vận hành, tổ chức, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ được tổ chức như thế nào để mang lại lợi ích thiết thực?

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, với đấu thầu tập trung, kết quả sẽ chỉ có một vài đơn vị trúng thầu, như vậy nguy cơ đứt hàng, thiếu thuốc có thể sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp trúng thầu xảy ra sự cố. Ngược lại, đấu thầu riêng lẻ sẽ giúp các bác sĩ có nhiều sự lựa chọn thuốc hơn trong điều trị bệnh. Còn một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì cho rằng việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia là góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tăng khả năng cân đối quỹ cũng như bảo đảm tốt hơn quyền lợi người bệnh BHYT.

“Việc đấu thầu riêng lẻ có nhiều hội đồng đấu thầu thuốc dẫn đến một loại thuốc có nhiều giá, giá thuốc khác biệt giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí giữa các BV trong cùng một địa phương. Một số nơi có tình trạng độc quyền, nhà phân phối tự định giá, áp đặt giá; lựa chọn biệt dược đắt hơn thuốc gốc với tỷ lệ lớn trong thị phần tỷ trọng thuốc trong nước sản xuất còn thấp; giá thuốc kế hoạch không hợp lý”, vị này nhận định.

Trong thực tế, với gần 20.000 loại thuốc được ghi nhận tham dự thầu vào các BV công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2016, cho thấy thuốc nội tập trung vào các loại thông thường như giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh, kháng viêm; còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lớn đều có xuất xứ từ nước ngoài. Nhiều loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương nhưng không trúng thầu, lại đi mua thuốc của nước ngoài, hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc ngoại trúng thầu lại cao gấp nhiều lần thuốc nội…

Theo các chuyên gia y tế, việc áp dụng cơ chế đấu thầu thuốc tập trung quốc gia cần đề phòng nguy cơ nảy sinh “xin - cho” và lợi ích nhóm. Lãnh đạo một công ty dược phân tích, khi một công ty trúng thầu tập trung, số lượng thuốc cần cung ứng tăng lên hàng ngàn lần, nên nếu các nhà cung cấp nguyên liệu, bao bì làm khó dễ, liệu công ty có đáp ứng kịp thời thuốc cho người bệnh? Hơn nữa, cách làm này sẽ là một cuộc cạnh tranh “một mất một còn” giữa các doanh nghiệp dược. Hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất đến 70% mặt hàng trùng nhau, nhiều doanh nghiệp mới đầu tư nhà máy, vay vốn lớn, nếu không trúng thầu sẽ khó tồn tại.

Một số chuyên gia y tế cũng quan ngại, nếu hội đồng thẩm định, phê duyệt đấu thầu không thật sự công tâm và có trách nhiệm, chỉ cần để lọt một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng hay bị “hớ” giá thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đều lãnh đủ, gây thiệt hại cho người bệnh lẫn BHYT...

''Tại TPHCM hiện nay, tỷ lệ dùng thuốc trong nước tại các BV đạt bình quân 48% - 60%. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị không chào thầu thuốc ngoại nhập đối với những loại thuốc trong nước đã cung ứng đủ nhu cầu''

PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục