Đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác

UBND TPHCM đã đồng ý chủ trương tổ chức đề án đấu thầu công tác quét dọn, thu gom rác đường phố. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-7, tất cả các quận huyện trên địa bàn bắt buộc phải thực hiện việc đấu thầu các dịch vụ quét dọn, thu gom và vận chuyển rác, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị thu gom rác. 
Địa phương khẩn trương
Theo ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn thành phố, đến nay các quận đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện đề án đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác theo yêu cầu của UBND TPHCM. Song, hiện các quận đang còn phải đợi quyết định, công văn hướng dẫn của UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) rồi mới tiếp tục triển khai cụ thể đề án này. Chia sẻ về vấn đề này, ông Khuất Triều Long, Phó phòng TN-MT quận 3, cho biết để thực hiện chủ trương của thành phố, hiện quận 3 đã tiến hành khảo sát lại lộ trình thu gom chất thải dọc các tuyến đường, điểm hẹn thu gom rác, số lượng thùng rác công cộng, khối lượng chất thải phát sinh… trên toàn địa bàn quận. Đối với công tác thu gom, quét dọn vệ sinh, tính đến tháng 4-2017, quận 3 vẫn áp dụng đơn giá theo hợp đồng số 11/HĐ-TNMT ngày 26-12-2016, được ký kết giữa Phòng TN-MT quận 3 với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3 theo sản lượng tại hợp đồng hàng năm, dựa theo các quy định đã ban hành. Đối với việc áp dụng đơn giá đấu thầu, quận 3 vẫn đang chờ Sở TN-MT xây dựng đơn giá và ban hành chính thức để có căn cứ triển khai thực hiện. Hiện nay công tác quét dọn vệ sinh, duy tu mảng xanh… vẫn được công ty đối tác thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Khi UBND TP chính thức ban hành đề án đấu thầu thì quận sẽ căn cứ vào đó để xem xét, đánh giá khả năng đấu thầu của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3, trường hợp công ty quận nhà không trúng thầu, công ty sẽ có kế hoạch chuyển đổi ngành nghề đối với người lao động của công ty cho phù hợp. 
Tương tự, bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng TN-MT quận 9,  cũng cho biết, căn cứ Quyết định số 1545/QĐ-STNMT-CTR ngày 5-4-2017 của UBND TP về phân cấp cho UBND 24 quận huyện quản lý và thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận huyện, quận 9 được giữ nguyên đơn vị thu gom, vận chuyển cho đến khi đấu thầu hoàn tất. Sau khi có hướng dẫn về quy trình đấu thầu, UBND quận 9 sẽ triển khai thực hiện theo quy định. Quận 9 cũng đang chờ hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn năng lực đơn vị tham gia đấu thầu. Tiêu chí và việc minh bạch sẽ thực hiện theo quy định đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn và sử dụng hiệu quả ngân sách thành phố. UBND quận cũng đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp các sở ngành liên quan xây dựng đơn giá. Trong khi đó, đối với việc đánh giá năng lực của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 9 giải quyết công ăn việc làm của người lao động thì quận phải chờ hướng dẫn của thành phố.
Đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác ảnh 1 Thu gom rác tại quận 8, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Đấu thầu giúp tiết kiệm ngân sách 
Theo Sở TN-MT TPHCM, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 7.500 - 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, hơn 300 tấn chất thải nguy hại, khoảng 16 tấn chất thải y tế... Tất cả đều được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn được xử lý tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi - huyện Củ Chi và Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước - huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, chính Sở TN-MT TPHCM cũng thừa nhận, tuy tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn của thành phố vẫn đảm bảo nhưng việc quản lý các đường dây rác trong thời gian rất dài mang tính tự phát, được hiểu ngầm thuộc quyền sở hữu của các chủ đường rác nên việc tham gia điều hành quản lý của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng tranh giành giữa các chủ đường dây rác vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì thế, việc công khai thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác là nhiệm vụ cần phải được triển khai ngay. 
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết công ty ủng hộ chủ trương đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác, bởi điều đó tạo sự cạnh tranh công bằng, không phân biệt công - tư. Thực tế cho thấy, việc tổ chức đấu thầu thu gom, vận chuyển rác đường phố đã phát huy rõ rệt hiệu quả xã hội. Cụ thể, các gói thầu đã giúp tiết kiệm ngân sách về xử lý rác cho thành phố 20% - 30% kinh phí. Chưa kể công tác thu gom, quét dọn rác luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và được địa phương đánh giá cao. GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho rằng chủ trương đấu thầu các dịch vụ công ích là cần thiết. Trong đó, vai trò của các cơ quan chức năng cần phải tính đúng, tính đủ, không để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu phải công bằng, công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và có sự giám sát của các cơ quan chức năng nhằm tránh tối đa hiện tượng tiêu cực. 
Đồng quan điểm này, GS-TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN-MT, cũng cho rằng, để tạo công bằng và nâng cao hiệu quả, chất lượng thu gom, vận chuyển rác thải thì các đơn vị dự thầu phải có năng lực trong hoạt động thu gom, vận chuyển. Năng lực dựa trên cơ sở cả trang thiết bị vật chất và nhân lực thực hiện. Nếu những đơn vị thu gom, vận chuyển thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn, tức tại các hộ gia đình, sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả xử lý rác thải, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải, giảm thiểu những rủi ro môi trường do chôn lấp rác thải gây ra, giảm nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn và kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải.

Tin cùng chuyên mục