Đầu độc thủ phủ mai vàng miền Trung

Làng mai Nhơn An (thị xã  An Nhơn, Bình Định) được mệnh danh là thủ phủ mai vàng ở khu vực miền Trung vì có trên 2.200 hộ dân trồng mai. Mỗi năm, nghề trồng mai đem lại bạc tỷ cho người dân. Tuy nhiên, do trồng mai tự phát, thiếu quy hoạch, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã khiến cho vùng đất này có nguy cơ trở thành vùng “đất chết”.
Phun thuốc hóa học trừ sâu đang khiến thủ phủ mai vàng miền Trung trở thành vùng “đất chết”
Phun thuốc hóa học trừ sâu đang khiến thủ phủ mai vàng miền Trung trở thành vùng “đất chết”

Tăng số người chết vì ung thư

Hiện dân các làng như Háo Đức, Trung Định, Thành Thái, Thanh Liêm, Tân Dương (thuộc xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) hầu hết đã chuyển sang nghề trồng mai cảnh. Xã có 2.800 hộ dân thì có trên 2.200 hộ trồng mai. Người dân nơi đây trồng mai theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch. Không những thế, bất chấp ô nhiễm, độc hại, các chủ vườn mai nơi đây còn lạm dụng thuốc BVTV để tiêu diệt sâu bọ, côn trùng, nấm…

Gặp chúng tôi, chủ mai Ng.V.Q. (45 tuổi, Háo Đức), thừa nhận: “Biết là độc hại, ô nhiễm môi trường nhưng trồng mai mà không phun thuốc trừ sâu bệnh thì làm sao được. Mai là giống cây khó trồng, trong điều kiện khí hậu ẩm, xuất hiện rất nhiều loại sâu bệnh như: bò trĩ, nấm hồng, nấm trắng, nhện đỏ, sâu cuốn lá… Chúng tôi đều phải tìm các loại thuốc hóa học nào triệt tiêu sâu bọ nhanh nhất, rẻ nhất, có tác dụng lâu nhất để dùng. Cây mai cực kỳ “nghiện” thuốc trừ sâu, càng phun thuốc cây càng tốt. Bây giờ thị trường xuất hiện thêm loại thuốc trừ sâu cực độc, có tác dụng như thuốc diệt chuột vậy”. 

Ông Q. cho biết thêm,  cứ 7 - 10 ngày phải phun thuốc trừ sâu 1 lần. Tính hết trong xã Nhơn An này, có tới hàng triệu chậu mai đang được phun thuốc “quanh năm suốt tháng” và không biết bao nhiêu chất độc đã ngấm vào đất, nước…

Ông T.V.Đ. (60 tuổi, thôn Háo Đức) thở dài: “Tôi cũng lo lắm! Bây giờ dân trong thôn không ai dám uống nước ngay tại giếng của mình, phải đi vùng khác mua nước về dùng. Nhiều đàn heo giống, trâu, bò bị sẩy thai và chết do ăn, ngửi phải thuốc hóa học khiến nghề chăn nuôi sa sút hẳn; các loài cây trồng, hoa màu cũng không phát triển được. Chưa thống kê cụ thể nhưng ở vài thôn, số người chết vì ung thư đã ngày càng nhiều… Chúng tôi già rồi, chỉ lo con cháu sau này sẽ sống trong môi trường ô nhiễm, bệnh tật. Tất cả chỉ vì lợi ích của 1 thế hệ ích kỷ và lạc hậu”.

Trước thông tin phóng viên Báo SGGP cung cấp, trên thị trường xuất hiện một số loại thuốc trừ sâu cực độc, đang được các chủ vườn mai ở thôn Háo Đức sử dụng, ông Nguyễn Tấn Phát khẳng định: “Không có loại thuốc BVTV nào trên địa bàn nằm ngoài danh mục của Bộ NN-PTNT cho phép; tuy nhiên, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Sắp tới đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm buôn bán thuốc BVTV; quán triệt, ngăn chặn các loại thuốc BVTV dạng hóa học, không rõ nguồn gốc, nằm ngoài danh mục cho phép.

Khẩn cấp di dời làng mai

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, cho biết: “Hiện đơn vị đang thành lập đề án chuyển tất cả số mai trong khu vực dân cư ra vùng quy hoạch tập trung. Đề án thực hiện trên 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) với diện tích trên 64ha đất; dự kiến, triển khai vào đầu năm 2019. Đa số hộ dân trồng mai đã đồng thuận với đề án này. Nếu đề án thực hiện thành công sẽ kiểm soát được lượng thuốc BVTV, môi trường và sức khỏe con người, gia súc vừa tạo được vùng mai tập trung sản suất theo hướng hiện đại, quy mô hơn và tiến tới thành lập hợp tác xã chuyên canh mai vàng…”. Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, việc lập đề án để dời toàn bộ làng mai ra vùng quy hoạch đang gặp phải nhiều rào cản. Bởi với số lượng hơn 2.200 hộ trồng mai ở Nhơn An mà chỉ quy hoạch 30ha đất thì không đủ diện tích. 

Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho hay, hiện đơn vị đang phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cùng lập đề án nghiên cứu các loại thuốc BVTV nhằm giải quyết triệt để những tồn tại mà người dân đang gặp phải. Trong thời gian nghiên cứu, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV dạng hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học để giảm thiểu tác động đến môi trường, sức khỏe người dân, đàn gia súc.

Tin cùng chuyên mục