“Đất tặc” lộng hành đào phá núi Mò O

Nhiều doanh nghiệp (DN) đổ xô đến đào phá núi Mò O (đoạn thôn Chánh Lý, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) ảnh hưởng nghiêm trọng đến mồ mả tổ tiên, ruộng đồng của người dân song chính quyền chưa ngăn chặn được.

Dân kêu cứu!

Đã 5 ngày trôi qua dưới cái nắng nóng oi bức, người dân ở thôn Chánh Lý kiên quyết đấu tranh với các DN trộm đất ở núi Mò O. Người dân chặt cây, tre nứa để làm rào chắn đường đi của đất tặc, nhưng hễ dân về nhà là DN tháo, phá rào vào núi đào moi lấy đất.

>>>Clip người dân thôn Chánh Lý kêu cứu vì đất tặc lộng hành:
Người dân thôn Chánh Lý chặn xe tải chở đất 
Người dân dựng rào chặn xe tải khai thác đất ở núi Mò O vào lúc  10 giờ 30 phút, trưa 24-4

Hơn 1 tháng trước, người dân đã phản ánh tình trạng này, sau đó UBND xã Cát Tường mới thành lập đoàn liên tục đến kiểm tra hiện trường, lập biên bản xử phạt, yêu cầu các DN dừng khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Xã đến kiểm tra, lập biên bản chưa ráo mực, DN lại đổ đến phá rào, tiếp tục đào núi lấy đất đi bán.

Theo chân người dân ở thôn Lý Chánh, PV Báo SGGP đã thâm nhập 1 mỏ khai thác đất lớn ở lưng núi Mò O. Từ ngoài, DN mở một con đường lớn vào núi, vật liệu, đất đai vương vãi, đá và cây cối bị ủi bật gốc nằm 2 bên đường. Vào sâu trong mỏ, chúng tôi ghi nhận có nhiều phương tiện đang đào phá núi để lấy đất.

Giữa lưng núi Mò O, DN đào phá thành hầm hố, nguy cơ sạt lở núi nghiêm trọng vào mùa mưa.

Các phương tiện ngang nhiên khai thác trên núi Mò O

Ông Đăng Ngọc Hùng (44 tuổi), người dân thôn Chánh Lý, bức xúc nói: “Đất tặc lộng hành đào phá núi Mò O đã hơn 3 tháng nay. UBND xã Cát Tường đã lập đoàn liên tục đến kiểm tra và lập biên bản vi phạm, rồi yêu cầu người dân dùng tre làm rào chặn đường lại. Nhưng DN vẫn bất chấp, ngang nhiên mở phá rào vào lấy đất. DN ngang nhiên lộng hành, không xem UBND xã Cát Tường và người dân nơi đây ra gì?”.

UBND xã đã xác định DN còn ngang tàng ủi phá 3 ngôi mộ của các dòng họ trong làng Chánh Lý. Núi Mò O bị đào phá lấy đất, nguy cơ làm bồi lấp, hoang hóa cánh đồng lúa Đình Ngang (5 ha) và cánh đồng Mò O (3 ha) của người dân thôn Chánh Lý.

Theo phản ánh của người dân, mỗi ngày có 70 đến 80 phương tiện, máy múc, ủi,… đổ xô vào ồ ạt khai thác đất trái phép trên núi Mò O.

  
Người dân thôn Chánh Lý  hướng dẫn báo chí lên núi Mò O ghi nhận hiện trạng
Người dân thôn Chánh Lý bảo vệ mồ mả ông bà mình trên núi Mò O

Ông Phạm Tụng (71 tuổi) – một đảng viên chi bộ thôn Chánh Lý, bức xúc: “Quan điểm của tôi, thống nhất với việc tỉnh mở đường trục khu kinh tế nối dài nhưng ai cho lấy đất ở núi Mò O? Đã xin ý kiến đồng thuận của dân hay chưa? Còn khai thác trái phép, hơn 3 tháng nay núi bị đào bới sao chính quyền vẫn làm ngơ?".

Chính quyền bất lực?

Làm việc với PV SGGPO, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường lôi ra một xấp hồ sơ, giấy tờ đặt lên bàn làm bằng chứng, rồi khẳng định: “Núi Mò O chưa được cấp phép khai thác đất. Các DN tự ý lén lút khai thác đất trái phép. Xã không bao che, ngó lơ việc DN khai thác đất trái phép này. Chúng tôi đã liên tục kiểm tra, lập hàng loạt biên bản, xử lý nhưng các anh biết đó, địa bàn xã thì rộng, đội ngũ thì mỏng nên không thể ngăn chặn được.”

Đất tặc vẫn ngang nhiên hoạt động trên núi Mò O

Theo ông Hoàng, sự việc bắt đầu từ khi có dự án đường trục Khu kinh tế (KKT) nối dài (do Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư - PV) đi qua địa bàn xã Cát Tường.  

Theo các hồ sơ Chủ tịch UBND xã Cát Tường cung cấp, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, UBND xã Cát Tường liên tục kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm đối với các công ty: Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định), Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98), Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường), Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định)…

Riêng với Công ty Bình Diễm, 5 lần vi phạm. Cụ thể, các ngày 12, 16 và 17-4, cơ quan chức năng xã Cát Tường liên tục phát hiện xe tải của Công ty Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Ngày 22-4-2019, UBND xã Cát Tường phối hợp với người dân thôn Chánh Lý tiếp tục phát hiện Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Chính ông Nguyễn Thanh Bình (Giám đốc Công ty Bình Diễm) có mặt tại hiện trường đã không hợp tác với đơn vị chức năng, tiếp tục cho các phương tiện đào phá núi Mò O để lấy đất.

Núi Mò O bị banh xẻ
Ngang nhiên chở đất từ núi Mò O

Ông Hoàng cho biết thêm: “Để giải quyết dứt điểm tình hình, sắp tới xã Cát Tường sẽ mời các DN cùng với Ban Quản lý công trình giao thông tỉnh Bình Định, Phòng TN-MT, Công an huyện Phù Cát,… đến cùng làm việc. Qua đó, chúng tôi sẽ đề nghị Ban Quản lý công tình giao thông tỉnh nghiêm cấm, không được thu mua đất khai thác trái phép ở núi Mò O để san lấp công trình”.

Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Định, trên địa bàn xã Cát Tường đến thời điểm này, vẫn chưa có một mỏ đất nào được cấp phép khai thác đất, các DN tự ý khai thác đất trái phép ở núi Mò O. Đối với đường trục KKT nối dài, hiện UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho 5 đơn vị lập hồ sơ khai thác đất, phục vụ san lấp mặt bằng, hiện họ mới hoàn thiện hồ sơ, chưa được cấp phép. Núi Mò O hiện cũng chưa được cấp phép khai thác đất, không nằm trong quy hoạch khai thác đất.

Đất tặc xẻ thịt núi Mò O, cánh đồng của thôn Chánh Lý nguy cơ bị bồi lấp khi mưa xuống

Ông Trương Bá Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Bình Định) cho biết: Đối với đường trục KKT nối dài qua huyện Phù Cát, hiện đã có các mỏ được cấp phép với khối lượng đất trên 300.000 khối. Trong quy hoạch san lấp mặt bằng đường trục KKT mở rộng thì lượng đất đã được cấp phép dư chứ không thiếu. Còn việc chưa cấp phép mà tự ý khai thác là vi phạm luật khoáng sản, hồ sơ môi trường không kiểm duyệt được thì sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường.

Ông Vinh thừa nhận, trong câu chuyện khai thác đất trái phép ở núi Mò O, các DN phải chịu trách nhiệm đầu tiên, người cho phép bán đất hoặc bán đất cũng vi phạm. Trách nhiệm quản lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm chính sau đó đến Chủ tịch UBND huyện và sau nữa Sở TN-MT.

Còn đối với chủ đầu tư đường trục KKT nối dài (Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định) về trách nhiệm nghiệm thu thì phải có nguồn gốc đất hợp pháp, đất được quy hoạch, đảm báo tính cơ lý thì mới được đưa vào san lấp dự án. Còn lấy đất khai thác trái phép ở núi Mò O để san lấp mặt bằng cho đường trục KKT nối dài là trách nhiệm cũng thuộc về Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh.

Tin cùng chuyên mục