Đảo “lạc” giữa phố

Không biết tự bao giờ, Bãi Xếp được khai phá để cư ngụ? Câu hỏi xuyên suốt cuộc sinh tồn ngoạn mục của những vạn dân cộng sinh bên ghềnh đá này. 
Cuộc sống nơi Ghềnh Ráng hôm nay đã đổi khác, dù vẫn biệt lập với TP Quy Nhơn Ảnh: NGỌC OAI
Cuộc sống nơi Ghềnh Ráng hôm nay đã đổi khác, dù vẫn biệt lập với TP Quy Nhơn Ảnh: NGỌC OAI
Bãi Xếp trước là nơi “thung sơn, cốc lũng”, hôm nay là thành viên của phố biển Quy Nhơn (Bình Định). “Lạc” về phố, cư dân xưa ở Bãi Xếp đã vươn mình trở thành thị dân.
 Sống cùng… đá

Những bãi, ghềnh dọc núi đá phường Ghềnh Ráng xưa nay là nơi các loài thủy sinh cư ngụ. Nhiều sản vật như tôm hùm, cá, ốc, rong mơ… sống trong hang đá, sinh sản nhiều vô kể. Nơi ấy rất nguy hiểm, bởi quanh năm bị sóng biển xô mòn, đá sắc nhọn như gươm. Người bên ngoài đồn rằng, dân nơi Bãi Xếp có thể đi chân không trên đá. Họ còn lặn rất giỏi trong những hang đá ngầm dưới biển. Trời đất có 4 mùa, eo biển Ghềnh Ráng theo đó mà sinh ra những mùa cá, tôm. Ví như mùa xuân, lặn bắt tôm hùm giống; mùa hạ, mùa thu, lặn bắt cua, ghẹ, cá, ốc…; mùa đông, men theo triền đá lặn lấy rong mơ. Cứ thế, từng nhóm thợ lặn ở Bãi Xếp quanh năm bày đủ “trận đồ” để tìm kiếm trăm loại sản vật. Lâu rồi thành quy luật cộng hưởng, tôm, cá, rong mơ cậy đá mà sản sinh, dân vạn đò dựa vào đá mà tìm sinh kế. Trước là để kiếm ăn, sau này là làm giàu. 

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến “người nhái” Võ Lội (78 tuổi), sống với 12 người con nơi Bãi Xếp, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng. Nhắc đến lặn, gương mặt ông Võ Lội sáng bừng lên, ông kể: “Ngày đầu, Bãi Xếp mới chỉ có khoảng 10 bếp lửa (hộ gia đình), chia ra làm 3 xóm, gồm xóm trên, xóm giữa, xóm dưới. Ở làng này, để được gọi là “mày râu” thì đều phải giỏi lặn. Ngày xưa, chúng tôi toàn lặn bộ chứ không có bình hơi, nhưng vẫn có thể lặn sâu đến 10m để bắt cá, ghẹ và tôm hùm. Xưa cực vì cá, tôm bán chẳng đáng đồng tiền. Quanh năm suốt tháng quần quật với biển, đủ thứ nghề nhưng vẫn thiếu ăn”.

Vạn chài nghĩa hiệp

Một tối gió bão cách đây 10 năm, phía vịnh Quy Nhơn xuất hiện con tàu lớn chở theo 10 thủy thủ nước ngoài bị bão đánh bật vào Bãi Xếp. Giữa cơn bão, một con tàu cũ từ ghềnh đá Bãi Xếp lao ra cứu hộ. “Ngày ấy, cha con ông Kính (ông Nguyễn Hữu Kính, 60 tuổi; con Nguyễn Hữu Trọng, 36 tuổi) đeo phao, lao xuống biển đưa dây cứu người…”, bà Trần Thị Lập (48 tuổi) kể lại chuyện xưa.

Còn rạng sáng 4-11 mới đây, cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nhiều xóm chài nơi cửa biển oằn mình chống bão. Bãi Xếp cũng vậy, bão dữ quần thảo khiến người dân trở tay không kịp. Giữa vòng vây của bão, phía vịnh Quy Nhơn lại xuất hiện những con tàu vãng lai. “Lúc ấy, biển cuộn sóng cao đến 8m. Cả làng cùng gọi nhau kéo ra mỏm đá, nơi các thuyền viên bị nạn. Nhóm đàn ông chúng tôi có 9 người. Chúng tôi cứ men theo các ghềnh đá, để tiếp cận con tàu, rồi nối dây thừng để cứu 15 thuyền viên trên tàu. Dân làng đổ ra mỗi lúc một đông. Họ cầu khấn cho chúng tôi cứu được các thuyền viên sống sót vào bờ…”, anh Phạm Văn Kinh (37 tuổi) kể lại.

Bà Trần Thị Lập, tiếp lời: “Trong nhóm đàn ông đang cứu người, có anh Tường là can đảm nhất. Khi thấy các thuyền viên không lên được bờ, anh đã lao ra mỏm đá cao nguy hiểm để đỡ các thuyền viên vịn chặt dây thừng vào bờ. Trên bờ, vợ anh Tường lo sợ chồng kêu gào thảm lắm: “Chồng tôi ra đó e chết mất thôi bà con ơi!”. Sau khi cứu được 15 thuyền viên (9 người Trung Quốc, 6 người Myanmar) lên bờ, họ nói gì đó chúng tôi nghe không rõ. Rồi họ chắp tay lạy cảm ơn dân làng. Thấy họ lạnh, bà Năm Báu (Phan Thị Báu, 57 tuổi) chạy vội về làng mua áo mưa, lấy quần áo, chăn và thuốc thang để đưa họ giữ ấm”.

Ốc đảo trù phú

Theo lời kể của ông Võ Lượm (82 tuổi, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng), ngày trước, những ngôi nhà ở xóm vạn Bãi Xếp chỉ đơn giản có vách đất trộn lá rừng và trấu khô; mái thì bắt chéo thành từng “con sẻ”, lợp nếp tranh. Khi gió bão ở biển đổ bộ vào, dân làng bắt đầu cụp hai “con sẻ” xuống sát đất để trốn bão. 

“Hôm nay thì giàu có rồi. Bãi Xếp chỉ toàn nhà cao tầng, đời sống con cháu chúng tôi đã thay đổi nhiều lắm. Giá tôm hùm, rong mơ ngày một leo dốc. Tôm hùm giống bắt về bán 180.000 - 200.000 đồng/con, rong mơ được thương lái mua với giá 100.000 đồng/kg rong tươi, phơi khô lên đến 1,5 triệu/kg. Những hôm cao điểm, nhiều thợ lặn tôm hùm giống ở Bãi Xếp trúng đậm, kiếm được 5-7 triệu đồng/ngày”, cụ Lượm phấn khởi. 

Ông Thái Công Toản (Khu vực trưởng, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng) chia sẻ: “Nhờ được sự quan tâm của chính quyền, Bãi Xếp hôm nay đã đầy đủ các công trình, đường sá, bến xe buýt… phục vụ cho đời sống và việc học hành của con em nơi này. Người dân nơi Bãi Xếp xưa nay vốn cần cù, giỏi nghề biển và không ngừng sáng tạo nên đời sống thay đổi nhanh chóng. Hôm nay, người ta đã biết tự khoanh nuôi thủy, hải sản và bắt tôm giống về ươm, nuôi, chuyển bán cho thương lái khi tôm khỏe, với giá cao. Nhiều người đã sắm tàu công suất lớn để mở rộng ngư trường đánh bắt”.

Đặc biệt nhất, do địa thế Bãi Xếp đẹp, bên tả có ghềnh đá, eo biển; bên hữu có bãi biển; trước mặt án ngữ 2 hòn đảo nhỏ. Thế đảo ôm lấy eo biển, núi đá thành tháp kỳ vĩ. “Nhiều năm nay, các loại hình du lịch như nhà ở, homestay, khu nghỉ dưỡng… bắt đầu mọc lên ở Bãi Xếp. Nhiều công trình đầu tư bài bản, đắt tiền đã biến Bãi Xếp từ ốc đảo, trở thành thung lũng du lịch nổi tiếng. Nhiều khách tây, thích sinh sống tại Bãi Xếp vì yêu cảnh đẹp nơi này. Người dân Bãi Xếp hưởng lợi nhiều từ đó. Bãi Xếp đang chuyển mình và sẽ vươn lên giàu mạnh hơn”, ông Toản tự hào.

Tin cùng chuyên mục