Đạo diễn sân khấu người Pháp Xavier Lukowski: Diễn viên trẻ Việt Nam rất giàu năng lượng

Không gian lung linh sống động với sự kết hợp tuyệt vời của âm thanh, ánh sáng, vở diễn Con chim xanh - kiệt tác sân khấu của nhà viết kịch nổi tiếng người Bỉ Maurice Maeterlinck - một trong những người khởi đầu của sân khấu kịch phi lý, đã đem đến cho khán giả nhỏ tuổi Hà Nội nhiều cảm xúc đặc biệt.
Đạo diễn sân khấu người Pháp Xavier Lukowski, đồng đạo diễn của Con chim xanh - phiên bản Việt - đã chia sẻ với báo giới về vở diễn.
- PHÓNG VIÊN: Con chim xanh là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại kịch phi lý, thần thoại của Maurice Maeterlinck (tác phẩm đoạt giải Nobel Văn chương năm 1911). Ông đã từng dàn dựng vở diễn này chưa? 

- Đạo diễn XAVIER LUKOWSKI: Đây là một kịch bản tuyệt vời nhưng tiếc thay, tôi chưa có cơ hội làm việc với kịch bản này lần nào. Thực tế, hiện nay không nhiều quốc gia chọn vở này để dựng vì tốn kém và đòi hỏi số lượng diễn viên khá lớn. Tôi nghĩ, Việt Nam chọn kịch bản này là sự đầu tư quy mô đáng nể. Cái hay của vở chính là hành trình giao lưu giữa châu Âu với châu Á. 

- So với kịch bản gốc, dường như phiên bản Việt đã có một số thay đổi. Điều này liệu có làm ảnh hưởng tới sự tiếp nhận giá trị nguyên gốc của vở diễn?


- Năm 1909, Maurice Maeterlinck viết xong vở kịch Con chim xanh, nội dung kể về những cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc qua hình tượng con chim xanh, sau này trở thành một điển cố văn học, biểu tượng cho hạnh phúc và tình yêu. Để thích ứng với khán giả Việt và đặc biệt là đối tượng trẻ em, vở diễn đã được biên tập ngắn đi nhiều. Tuy nhiên, tiêu chí tiên quyết vẫn là giữ nội dung chính, ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện. Đây là câu chuyện thần tiên, cổ tích cho trẻ em nên nó mang tính triết lý giống như mọi câu chuyện khác. Tôi tin ở Việt Nam cũng có nhiều truyện cổ tích như thế. Tôi chỉ thay đổi một chút bởi câu chuyện vẫn còn giá trị thời đại và đặc biệt đậm tính toàn cầu.

- Khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa khiến cho ông khó khăn khi làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam?

- Kỹ thuật diễn xuất ở châu Âu nơi tôi làm việc khác với kỹ thuật ở đây, khi tôi góp ý điều đó, họ tỏ ra thích thú và chịu khó học tập. Còn khó khăn, tôi nghĩ không có gì lớn, có chăng tôi không nói tiếng Việt nên phải mất thời gian chuyển ngữ. Những diễn viên của nhà hát đều là những người trẻ trung, nhiệt tình và giàu năng lượng, say mê học hỏi cái mới. 

Tôi từng làm việc tại Mỹ, Nga hay Nhật Bản…, mỗi quốc gia có đặc tính riêng, diễn viên có nét đặc thù về ngôn ngữ và tư duy, góp phần cấu tạo tư tưởng khác nhau. Bên cạnh đó, có những điều mang tính toàn cầu… Khi lên sân khấu để thử micro, tôi phải định thần rằng, mình đang ở Hà Nội vì các kỹ thuật viên kia không nói tiếng Pháp. Sở dĩ tôi có cảm giác như vậy bởi như các nghệ sĩ, chúng tôi cùng nói chung một ngôn ngữ đó là nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục