Đạo diễn Lê Văn Kiệt: Muốn làm phim cho khán giả Việt

Từ Ngôi nhà trong hẻm đến Dịu dàng và bây giờ là Hai Phượng, Lê Văn Kiệt chưa bao giờ là cái tên đình đám của điện ảnh Việt, nhất là trong số các đạo diễn Việt kiều. Thế nhưng, nếu theo dõi con đường làm nghề của anh sẽ thấy những bước chuyển mình tích cực.   

Làm phim để mình xem trước

° PHÓNG VIÊN: Hai Phượng vừa ra rạp và nhận được rất nhiều lời ngợi khen từ giới chuyên môn, khán giả...

° Đạo diễn LÊ VĂN KIỆT: Tôi có niềm đam mê đặc biệt với kịch bản này ngay từ khi bắt tay vào thực hiện. Càng đi sâu vào dự án, tiếp tục quá trình sáng tạo, mọi thứ càng lớn dần hơn. Khi có một người đồng hành, đối tác như Ngô Thanh Vân với sự đòi hỏi rất cao, luôn muốn làm những gì tốt nhất có thể, điều đó càng thôi thúc tôi nhiều hơn. Tôi rất mừng, vì một đạo diễn có được nhà sản xuất hiểu, đam mê điện ảnh. Suốt quá trình thực hiện, Vân luôn là người thúc đẩy tôi. Với tôi, Vân là số 1. 

Đạo diễn Lê Văn Kiệt: Muốn làm phim cho khán giả Việt ảnh 1 Đạo diễn Lê Văn Kiệt trên phim trường Hai Phượng. Ảnh: Studio 68  

° 7 năm sau Ngôi nhà trong hẻm (năm 2012), anh mới hợp tác trở lại cùng Ngô Thanh Vân. Vậy lần tái hợp này có gì khác biệt?

° Thời Ngôi nhà trong hẻm, Vân chỉ là diễn viên, còn bây giờ, cô ấy còn đảm nhận vai trò nhà sản xuất. Chúng tôi đã ít nhiều hiểu về phong cách làm phim của nhau, nhất là khi niềm đam mê của cô ấy quá mãnh liệt. Đó là điều không dễ gì có được.  

° Anh nói nhiều về sự hòa hợp của cả hai khi làm phim. Không lẽ giữa cả hai không có những mâu thuẫn, tranh cãi khi ra phim trường?

° Những gì mọi người thấy chỉ là sản phẩm cuối cùng. Và chúng tôi cũng rất hài lòng về nó. Nhưng cả tôi và Vân đều là những người cứng đầu, luôn muốn giữ cá tính của mình. Thú thực, khi ra phim trường mọi thứ rất căng thẳng. 

Tuy nhiên, nếu làm phim mà chỉ như một cuộc dạo chơi thì sẽ không có áp lực để mình làm tốt nhất. Tôi luôn nghĩ, áp lực là điều rất tốt và là lý do để mỗi ngày chúng tôi càng phải cố gắng nhiều hơn. Do đó, dù quá trình quay phim chẳng dễ dàng chút nào, chúng tôi cũng luôn hiểu rằng, mục tiêu cuối cùng là ai cũng muốn bộ phim đạt chất lượng tốt nhất.

Một cái khó khác, riêng với thể loại hành động cần sự thống nhất rất cao giữa nhà sản xuất và đạo diễn, bởi nó rất dễ bị “lạc” theo 2 hướng khác nhau. Trước khi vào phim, chúng tôi trò chuyện với nhau rất nhiều và mọi thứ cứ dần được phát triển thêm.

Bên cạnh đó, cả hai đã từng trải qua cả thành công và thất bại khi làm nghề nên có chung chí hướng. Tôi luôn xác định, khi làm phim này, trước hết phải để chính bản thân mình muốn coi trước, sau đó mới mong khán giả ủng hộ. 

° Vậy điều anh tâm đắc nhất ở Hai Phượng là gì? 

° Từ khi lên ý tưởng kịch bản, tôi luôn xác định nó phải là bộ phim cho khán giả Việt Nam. Tôi mong khán giả sẽ thấy được những điểm mới, sự phát triển của điện ảnh Việt. Tôi cũng mong muốn gửi gắm thông điệp: Tình yêu của người mẹ không bao giờ có giới hạn và họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho con cái mình.  

Muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt

° Trong số các đạo diễn Việt kiều, anh là cái tên ít đình đám. Khi về Việt Nam làm phim, anh đã học thích nghi với môi trường trong nước như thế nào?

° Tôi sinh ra là người Việt Nam. Bố mẹ luôn bắt tôi phải nói tiếng Việt, duy trì các thói quen của người Việt... Tôi luôn ý thức được rằng, mình có bản chất Việt chảy trong dòng máu. Khi trở về Việt Nam làm phim, tôi nhận được rất nhiều sự yêu thương của mọi người. Do đó, như một cách tự nhiên, tôi càng muốn được tìm hiểu, được kết nối với người Việt nhiều hơn.

Đó vừa là một phần vì công việc, một phần vì mình muốn tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc mình được sinh ra. Chính vì tôi không được Việt Nam 100% nên nó là khởi nguồn, điểm bắt đầu thôi thúc mình phải tìm hiểu nhiều hơn. 

° Thực tế cho thấy, qua những tác phẩm anh từng thực hiện, mỗi phim là một màu sắc khác nhau. Vậy cá tính trong điện ảnh của anh là gì?

° Lúc đầu khi mới bước vào điện ảnh, tôi luôn xác định tác phẩm của mình phải có những hình ảnh được thực hiện công phu, kỹ lưỡng và hiệu ứng, kỹ xảo cũng phải thật chỉn chu. Thời điểm đó, tôi tự nhận mình khá yếu ở khía cạnh phản ánh bản chất, tâm lý con người. Do đó, tôi bắt tay vào việc tìm hiểu, xây dựng kỹ hơn tính cách, tâm lý nhân vật.

Ngay cả với Hai Phượng, nếu xem phim khán giả chỉ thấy hành động, đánh đấm có lẽ nó không xứng đáng để làm. Vì vậy, thiên hướng của tôi ở thì hiện tại cũng như tương lai là sẽ thực hiện những tác phẩm ngày càng đi vào chiều sâu với những câu chuyện mang thông điệp rõ ràng hơn.  

° Quá trình làm phim, anh từng có 2 tác phẩm không qua được cửa kiểm duyệt là: Bẫy cấp 3, Rừng xác sống. Điều đó có khiến anh chạnh lòng?

° Tôi nghĩ, điều đầu tiên là mình phải chấp nhận. Đó là một bài học đáng quý. Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả nền điện ảnh tiên tiến như Hollywood, họ cũng có những quy tắc riêng cho từng thể loại phim.

Tôi hiện đang trong quá trình viết kịch bản cho một phim sẽ làm tại Mỹ và cũng trải qua những chuyện tương tự như thế, ngay từ trên trang giấy. Kiểm duyệt phim là điều tất yếu và ở đâu cũng có. Có khác chăng, mỗi quốc gia trên thế giới sẽ có những quy định riêng.  

Khi có 2 phim không được cấp phép ra rạp, rất nhiều người đã buồn cho tôi và nghĩ đó là mất mát lớn. Nhưng tôi cho rằng, tôi không mất mát nhiều như mọi người vẫn nghĩ.

Dĩ nhiên, chẳng nhà làm phim nào muốn điều đó xảy ra với mình, nhưng nó mang đến cho tôi nhiều lợi thế. Nó sẽ là điều thuận lợi để những dự án tiếp theo mình biết cách dung hòa và tìm ra những điều tốt nhất cho tác phẩm của mình.

Tin cùng chuyên mục