Đảo Đào Hoa Tây Bắc

Gần 6 thập niên trước, Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ “Tiếng hát con tàu”, để ca ngợi những người đi khai hoang mở lối trên miền đất xa xôi. Những con tàu trong tâm tưởng và cả tiếng còi tàu thật ngoài đời, đã thúc giục chính nhà thơ và bao thế hệ thanh niên xung phong dưới xuôi lên Tây Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới. 
Hồ Pá Khoang, nơi có đảo Đào Hoa nhìn từ trên cao.
Hồ Pá Khoang, nơi có đảo Đào Hoa nhìn từ trên cao.

Giờ đây Tây Bắc trong mỗi trái tim người Việt không còn xa xôi, cách trở, hẻo lánh như xưa nữa. Đường sá giao thông đã thuận lợi hơn trước, những chuyến tàu Hà Nội-Lào Cai chạy suốt ngày đêm… Người đi làm ăn, đi phượt, du lịch bụi… tấp nập từng đoàn, từng tốp đến với Tây Bắc.

Song, nhắc đến những người đi khai hoang mở đất, làm giầu đẹp cho mảnh đất Tây Bắc, một con người thật đặc biệt, ấn tượng với những việc đã làm cho mảnh đất Điện Biên vùng Tây Bắc: Doanh nhân, cựu chiến binh, đồng thời cũng là tiến sĩ công nghệ sinh học Trần Lệ.

Năm 2006, ông Trần Lệ khi đó đã 60 tuổi, quyết định mang theo ước mơ và những hạt mầm hoa anh đào (quốc hoa của Nhật Bản), một thân một mình lên xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để khai hoang, trồng trọt. Mảnh đất ông chọn là đảo hoang có tên Mon, nằm giữa lòng hồ Pá Khoang mênh mông sóng nước. Hòn đảo khi ấy không có người sinh sống nên không điện, không nước, không sóng di động…

Đảo Đào Hoa Tây Bắc ảnh 1 Chúa đảo Trần Lệ và những cánh hoa đào tô điểm trên đảo Đào Hoa.
Những tháng, năm đầu tiên sống trên đảo, tuy được bà con địa phương giúp đỡ, nhưng công cuộc trồng hoa anh đào liên tiếp thất bại bởi khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nơi đây. Tưởng chừng ông sẽ bỏ cuộc, nhưng bằng lòng quyết tâm cao độ cùng với đó là sự giúp đỡ của những người bạn Nhật Bản trong Hội hữu nghị Việt-Nhật, cuối cùng hoa anh đào cũng nở hoa giữa miền đất lạ.

Người đàn ông năm nay đã ngoài 70 tuổi, râu tóc bạc phơ ấy không muốn chúng tôi ca ngợi và nói quá nhiều về bản thân mình. Ông từ tốn bảo rằng: “Ai khởi nghiệp mà chả có khó khăn, thử thách, nhưng quan trọng là phải luôn quyết tâm, giữ vững niềm tin để tìm ra lối đi đúng”. Sau 12 năm cái tên đảo Mon đã biến mất trong lòng người và giờ đây chúng ta chỉ biết đến tên gọi “Đảo Hoa Đào, Đảo Đào Hoa”, còn ông Trần Lệ được người dân ở đây con như chúa đảo. 

Khi mùa xuân sang, hàng ngàn cây anh đào lớn, bé trên đảo sẽ bung nở để chào đón du khách và mọi người đến thăm. Chúng tôi lạc giữa vườn anh đào khoe sắc thắm và diện kiến vị chúa đảo Trần Lệ với chất quái quái, độc dị, bất giác lại liên tưởng tới lão Đông tà Hoàng Dược sư trên đảo Đào Hoa, trong thiên tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung. 

Vì thế mùa xuân này, những ai chưa biết đến đảo Đào Hoa Tây Bắc, muốn mắt thấy, tay sờ chứ không phải xem phim Anh Hùng Xạ Điêu, thì hãy xách ba lô và tới ngay mảnh đất Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên, mọi người đi theo con đường nhựa thẳng băng khoảng gần 20km là đến hồ Pá Khoang, xã Mường Phăng. Từ bến đò bên bờ hồ, thuyền máy rẽ nước chở du khách thêm 20 phút nữa là sẽ tới đảo Đào Hoa của chúa đảo Trần Lệ.

Không chỉ được ngắm sắc thắm, sắc hồng phai của những cánh hoa anh đào, mà đến đảo Đào Hoa dịp mùa xuân, mọi người còn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những vườn địa lan, phong lan, hoa hồng, hoa ly đua nhau khoe sắc. Vừa biến đảo hoang thành đảo hoa đẹp rực rỡ, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương suốt 12 năm qua, tất cả điều ấy càng làm chúng tôi ấn tượng về vị chúa đảo Trần Lệ. Dạo bộ trên đảo ngắm hoa, thưởng thức trà dư tửu hậu và trò chuyện vui vẻ với chúa đảo Trần Lệ, sẽ làm mỗi người quên đi bao ưu lo, muộn phiền và lấy lại được sinh khí phơi phới như sắc xuân. 

Tin cùng chuyên mục