Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhiều quan điểm trái chiều

Ngay sau khi Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về dự án Luật Thuế tài sản, phương án đề xuất đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Xung quanh phương án này có nhiều quan điểm trái chiều. PV Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến:
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM:  Đánh thuế bất động sản là hợp lý 
Tôi cho rằng đánh thuế vào bất động sản là hợp lý bởi việc này khá rõ ràng và công bằng cho tất cả mọi người. Người nào có nhiều bất động sản thì đóng thuế nhiều. Nhà nước không cần quan tâm đến ai là chủ sở hữu hoặc sử dụng nhà, đất mà chỉ cần “thấy có” bất động sản là đánh thuế. Chưa kể, đánh thuế vào bất động sản còn giúp chống nạn đầu cơ nhà, đất - nguyên nhân chính làm giá nhà, đất tăng nóng, vượt khả năng mua của đại đa số người dân. So về mức độ minh bạch thì thuế bất động sản tốt hơn thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân… Bằng nhiều cách mua, bán hóa đơn…người ta có thể gian lận thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân.
Song song với việc đánh thuế bất động sản, Nhà nước nên nghiên cứu giảm bớt một số loại thuế khác mà khi triển khai chưa đảm bảo được tính công bằng, hiệu quả. Cùng với đó là việc quản lý nguồn thu thuế bất động sản phải minh bạch. Thuế thu được bao nhiêu, đầu tư vào đâu… phải công khai cho dân rõ. Tất nhiên, việc giảm chi cũng phải được nghiêm túc đặt ra. Đầu tư các công trình, dự án phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở hiệu quả không chỉ cho hiện tại ở một địa phương mà còn phải thực sự tạo được đòn bẩy, giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Cũng phải nói thêm, hiện nay nhiều loại thuế đang bị giảm thu rất lớn như thuế xuất nhập khẩu (do lộ trình giảm thuế khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại - pv), thuế tài nguyên… nên ngân sách Nhà nước cũng cần có nguồn thu mới thay thế.
Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Nhiều quan điểm trái chiều ảnh 1 Phương án đề xuất đánh thuế đối với nhà ở trên 700 triệu đồng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: CAO THĂNG
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:  Công cụ hữu hiệu chống đầu cơ bất động sản
Tất nhiên, cơ chế thuế sẽ dẫn đến mọi người phải cố gắng làm để có tiền nộp thuế. Đối với người nghèo thì Chính phủ phải có chính sách miễn, giảm thuế. Chính sách thuế là như vậy, cần nhìn dưới hai góc độ phát triển xã hội và an sinh xã hội.
Việc áp thuế nhà, đất hay thuế kinh doanh bất động sản sẽ làm cho thị trường bất động sản phát triển trách nhiệm hơn, ngăn chặn tình trạng đầu cơ kinh doanh trên thị trường, đảm bảo sự công bằng giữa người giàu và người nghèo trong tiếp cận và sử dụng hạ tầng dịch vụ công. Các nước thường đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1% - 1,5% giá trị thị trường.
Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Riêng nguồn thu từ thuế đất và nhà đủ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, áp thuế với người sở hữu nhiều nhà, nhiều đất còn là công cụ hữu hiệu để chống đầu cơ trên thị trường bất động sản. Để chống đầu cơ triệt để, nhiều nước còn tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên.
Ở các nước, thuế không phải chỉ một mục tiêu mà là đa mục tiêu, vừa để phát triển kinh tế vừa hạn chế yếu kém trong quá trình kinh doanh, vừa chống đầu cơ, vừa tạo nguồn thu.
Ở nước ta, trong cơ chế bao cấp trước đây thì thuế hầu như chỉ có một mục đích tạo nguồn thu. Còn khi chuyển sang cơ chế thị trường, phải thay đổi thuế như một công cụ để điều tiết thị trường. Với thuế nhà, tất cả những ai giữ nhà, giữ đất đều phải nộp thuế. Anh còn giữ nhà thì anh phải nộp thuế, anh bán đi thì người mua nộp thuế.
Như vậy phát triển thị trường bất động sản mới đầy đủ trách nhiệm. Đối với các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản, nếu có thuế tài sản, khi xây xong họ phải chịu thuế, phải tính toán cẩn thận thuế đất chi bao nhiêu, thuế nhà bao nhiêu, bán với giá nào và người mua tiếp tục nộp thuế đó.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế  (ĐH Nông Lâm TPHCM): Cần xác định rõ mục tiêu
Trước khi áp dụng thuế nhà ở cần xác định rõ mục tiêu là gì, tăng nguồn thu ngân sách hay chống đầu cơ. Theo lý thuyết kinh tế, tất cả loại thuế đều bóp méo thị trường, ảnh hưởng đến cung, cầu và giá cả thị trường, và gây ra “tổn thất xã hội”.
Việc đánh thuế nhà ở ảnh hưởng đến cầu nhà, người sử dụng nhà phải nộp thuế, do đó họ phải gánh chịu một khoản chi trả, dần dần họ phải giảm diện tích hoặc giá trị nhà.
Cả cầu và cung nhà ở đều giảm. Nếu đánh thuế nhà, công trình thương mại, người nộp thuế là người sở hữu nhà và công trình, nhưng sau cùng cả hai cùng chịu (người sản xuất và người tiêu dùng dịch vụ thương mại đó). Do đó, cần cân nhắc thận trọng tổn thất và lợi ích của việc đóng thuế này.
Theo tôi, Việt Nam chưa cần thiết đóng thuế nhà ở trong lúc này, vì lý do sau: (1) không vì thâm hụt ngân sách mà huy động nguồn lực của dân; (2) đóng thuế nhà cũng không chống được đầu cơ, người có nhiều nhà họ tìm cách để chia cho con cháu đứng tên; (3) khó để xác định giá trị nhà trên 700 triệu đồng để chịu thuế; (4) chưa phù hợp với văn hóa nhà ở nông thôn vốn khá rộng, nhưng thu nhập rất thấp, gây khó khăn cho họ khi áp thuế nhà, thật sự là bất công bằng. Việc đóng thuế nhà và công trình thương mại là không cần thiết, mà chỉ đóng thuế thu nhập tạo ra từ nhà và công trình đó.
Để chống đầu cơ nhà, cần tạo ra những kênh đầu tư hiệu quả, ví dụ lãi suất cao, nhà đầu tư sẽ tính toán lại trong việc đầu cơ nhà, giá trị nhà ở rất lớn khó có nhà đầu cơ nào đủ sức để thao túng thị trường.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính:  Việc xử lý nợ xấu có bị ảnh hưởng?
Về tổng thể, việc áp dụng thuế tài sản sẽ đạt được một số mục đích: Thứ nhất là tạo thêm nguồn thu có tính bền vững cho ngân sách, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai là đảm bảo được tính công bằng xã hội theo nghĩa người giàu sẽ nộp thuế nhiều hơn người nghèo. Thứ ba là góp phần hạn chế việc nắm giữ các tài sản như bất động sản với mục đích đầu cơ không tạo ra giá trị gia tăng, từ đó thúc đẩy sử dụng tài sản hiệu quả hơn, ví dụ như đưa bất động sản vào sản xuất kinh doanh chứ không để trống, không sử dụng.
Vấn đề còn lại mang tính kỹ thuật, tức là phải tính toán kỹ mức giá trị tài sản chịu thuế khởi điểm, thuế suất và xác định đối tượng chịu thuế sao cho phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Tại một số địa phương như Hà Nội và TPHCM, giá trị bất động sản rất cao, nhưng thu nhập của nhiều người dân chưa chắc đã cao tương ứng. Họ cũng khó chuyển đến nơi có giá nhà thấp vì còn liên quan đến việc mưu sinh… Một số doanh nghiệp cũng có thể sẽ gặp khó khăn nếu sử dụng nhiều đất đai nhưng giá trị gia tăng lại không cao.
Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá kỹ tác động của việc áp dụng thuế tài sản lên thị trường bất động sản vì khi đó nhu cầu mua bất động sản sẽ giảm và việc xử lý nợ xấu có bị ảnh hưởng?

Tin cùng chuyên mục