Đánh thức tiềm năng loại hình du lịch y tế

Ngành y tế và ngành du lịch TPHCM liên tiếp “bắt tay” xây dựng mô hình, giải pháp nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách đến TP khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, với thực trạng nhiều bệnh viện trên địa bàn đang quá tải, chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và sự kết nối với du lịch còn sơ sài thì chuyện kỳ vọng gia tăng nguồn thu từ loại hình này xem ra vẫn còn khá mơ hồ.

Đầu tư chưa đồng bộ

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh trong năm qua khoảng 80.000 lượt, với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng TPHCM đón khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách tới khám chữa bệnh, chủ yếu đến từ các nước Campuchia và Lào, với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Gần đây có thêm lượng du khách kiều bào từ Australia, Mỹ, Canada, Nhật về thăm gia đình kết hợp khám bệnh. Tuy nhiên, đây vẫn còn là con số khiêm tốn so với các nước có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore. Hơn nữa, phần lớn du khách đến khám chữa bệnh chỉ mang tính tự phát, thiếu sự kết nối giữa y tế và du lịch nên hiệu quả còn thấp. Nhiều du khách cho rằng, việc lên kế hoạch chữa bệnh tại Việt Nam còn mất nhiều thời gian vì thông tin ít, các tour y tế về chăm sóc sức khỏe tại các công ty lữ hành còn rất hiếm.

Ngành y tế TPHCM được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh như: chi phí thấp, đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao và thực hiện được nhiều kỹ thuật khó. Tuy nhiên, sở dĩ loại hình du lịch y tế ở TP chưa thật sự phát huy hết tiềm năng sẵn có, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, là do việc đầu tư cho dịch vụ khám chữa bệnh còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư dài hạn để hấp dẫn khách du lịch.

Qua tìm hiểu thực tế, các công ty du lịch, lữ hành tại TPHCM còn khá thờ ơ trong chào bán loại tour này do lo ngại chất lượng dịch vụ y tế trong nước chưa cao. Theo đại diện một công ty lữ hành quốc tế trên địa bàn TP, các cơ sở y tế muốn thu hút bệnh nhân từ nước nào thì nên có chứng nhận quốc tế hoặc của hiệp hội nước đó để du khách tin tưởng, chọn lựa. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến việc chăm sóc sau điều trị bằng cách hợp đồng với các bác sĩ bản địa để chăm sóc bệnh nhân nước ngoài sau giải phẫu khi họ về nước.

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường TMR (Mỹ), dự kiến năm 2019, thị trường du lịch y tế thế giới sẽ tăng đến 32,5 tỷ USD (gấp hơn 3 lần năm 2015). Sự gia tăng này được các chuyên gia lý giải là do tại nhiều quốc gia, nhất là phương Tây, nếu không có bảo hiểm y tế, người dân sẽ rất khó khăn khi phải điều trị y khoa. Ngay cả khi có bảo hiểm, các chi phí vẫn cao hơn rất nhiều so với một dịch vụ tương tự tại một số quốc gia châu Á. Vì thế, lựa chọn tối ưu với những người không có bảo hiểm ở các quốc gia này là ra nước ngoài du lịch kết hợp thực hiện một thủ thuật hay một phẫu thuật y khoa đắt tiền nào đó.

Đánh thức tiềm năng loại hình du lịch y tế ảnh 1 Bệnh nhân người nước ngoài đang thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Cần cái “bắt tay” thật chặt

Mới đây, 2 ngành du lịch và y tế TPHCM đã giới thiệu cuốn “Cẩm nang du lịch y tế TPHCM” nhằm phát triển sản phẩm du lịch y tế. Theo đó, có khoảng 10.000 cuốn cẩm nang phát hành dưới dạng song ngữ Anh - Việt được giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về các thông tin cơ bản hệ thống du lịch y tế tại TP. Nội dung chính là cung cấp cho du khách các thông tin về phương pháp điều trị, thời gian làm việc, hình ảnh, địa chỉ và bản đồ thu nhỏ các đơn vị có chức năng khám, điều trị trong khám sức khỏe, y học cổ truyền, nha khoa thẩm mỹ và tầm soát bệnh lý chuyên sâu (tim mạch, ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm).

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định xu hướng dịch chuyển của du lịch y tế từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đã và đang tạo điều kiện cho các nước non trẻ loại hình này (như Việt Nam) phát triển. Đây là thời điểm thích hợp để du lịch y tế TPHCM định hướng cũng như tìm hướng đi mới cho mình.

“Hiện nay, hạ tầng và chất lượng dịch vụ của các bệnh viện tại TP cơ bản đã đáp ứng được các sản phẩm du lịch y tế như du lịch nha khoa, du lịch thẩm mỹ, y học cổ truyền, khám tổng quát và tầm soát bệnh cùng các dịch vụ chuyên sâu. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, ngành y tế TPHCM cũng xây dựng và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của bệnh nhân”, ông Tăng Chí Thượng cho biết.

Tuy vậy, theo ông Thượng, để có thể phát triển du lịch y tế, các đơn vị tham gia vào loại hình này phải hoạt động hợp pháp và đã được đánh giá chất lượng; có bố trí khu khám chữa bệnh dành riêng cho khách du lịch y tế; có bác sĩ chuyên môn, chuyên gia hành nghề phù hợp, có lực lượng y bác sĩ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh; có giá cả, phương thức thanh toán phù hợp.

Tin cùng chuyên mục