Đánh giá đúng năng lực học sinh

Kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ GD-ĐT công bố ngày 14-7 với phổ điểm được phân tích kỹ ở từng môn thi, khối xét tuyển đại học. Theo thống kê, điểm trung bình các môn thi năm nay tăng hơn năm trước, hầu hết các môn có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5-6 điểm, riêng 3 môn Lịch sử, Tiếng Anh và Sinh học có điểm trung bình dưới 5 điểm. Số lượng điểm cao, từ 8 điểm trở lên ở các môn tăng cao hơn nhiều so với năm 2018. Các môn thi đều có điểm tuyệt đối, trừ môn tự luận Ngữ văn.

Như vậy, phổ điểm các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phản ánh được đúng năng lực học sinh phổ thông và cho thấy đề thi không quá khó cũng không quá dễ. Đây là phổ điểm được cho là đẹp hơn rất nhiều so với năm 2017, 2018, đáp ứng được cả tiêu chí xét tuyển đại học - cao đẳng, các trường tốp giữa sẽ không còn “khát” sinh viên như những năm trước. Ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển 3 môn truyền thống vào đại học đều có mức điểm 16-17, tức trên mức trung bình, mức điểm cao 22 điểm trở lên có độ phân hóa rõ rệt.

Mặc dù đã yên tâm với phổ điểm đẹp của kỳ thi 2019, nhưng vẫn còn đó trăn trở khi điểm của một số môn vẫn dưới điểm trung bình. Hơn 70% học sinh có điểm thi Tiếng Anh, Lịch sử dưới 5 điểm ở kỳ thi năm nay là con số không thể vui. Môn Sinh học có điểm trung bình dưới 5 điểm, cũng đã cho thấy học sinh chưa thực sự học môn này.

Điểm môn Lịch sử thấp đã phản chiếu chất lượng dạy học môn này. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, môn Lịch sử trong nhiều năm có phổ điểm thấp nhất là do phương pháp dạy của chúng ta chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao. Tương tự, môn Sinh cũng chỉ là một môn thành phần trong tổ hợp khoa học tự nhiên mà thí sinh bắt buộc phải thi nếu chọn đó là bài thi để xét tốt nghiệp, trừ những em chọn môn Sinh để xét tuyển khối B. Nếu chỉ để xét tốt nghiệp, các em chỉ cần thoát điểm liệt.

Với môn Tiếng Anh, mặc dù hơn 70% thí sinh có điểm dưới trung bình, nhưng số điểm cao cũng rất nhiều, và nếu tính riêng cho từng địa phương thì điểm cao vượt trội thuộc về các thành phố lớn. Các tỉnh, thành phố như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nam Định, điểm trung bình môn Tiếng Anh vọt lên cao hơn điểm trung bình cả nước. TPHCM cao nhất với mức điểm trung bình 5,8 điểm, Bình Dương 5,2 điểm, Hà Nội 5,01 điểm. TPHCM có gần 17%, Hà Nội có gần 16% số bài thi Tiếng Anh đạt điểm giỏi. Trong khi đó các tỉnh miền núi phía Bắc điểm thi Tiếng Anh tụt sâu. Có những tỉnh, điểm bài thi trung bình đạt dưới 3 điểm. Điều này cho thấy dù là môn quan trọng, môn bắt buộc để tính điểm thi tốt nghiệp và là môn học cần thiết cho học sinh trong tương lai, nhưng chất lượng đào tạo rõ ràng là có sự mất cân bằng về chất lượng giảng dạy tiếng Anh giữa các vùng miền, địa phương. Đó là thực tế mà ngành giáo dục cần nhìn nhận và có giải pháp khắc phục trong cách dạy và học môn Tiếng Anh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều phải đạt trên 1 (dưới 1 điểm là điểm liệt). Trên thực tế, rất nhiều thí sinh chỉ đầu tư cho những môn xét tuyển đại học, còn những môn khác chỉ cần học qua loa và thi làm sao để tránh bị điểm liệt. Do vậy, kết quả thi những môn này chưa phản ánh đúng năng lực học sinh. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải phân tích kỹ hơn vấn đề để có những chỉ đạo, đề xuất về chính sách hợp lý nhằm nâng chất lượng dạy học trong thời gian tới. Không nên để học sinh học lệch học tủ, nhưng cũng phải tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp của các em trong quá trình học tập.

Tin cùng chuyên mục