Đánh cắp giờ làm việc

Hơn 3 giờ chiều, tiếng cười nói rổn rảng phát ra từ phòng làm việc của một trung tâm thuộc Sở K. (TPHCM). Phía trong, nhóm nhân viên trẻ hí hửng chia nhau miếng bánh pizza rồi đủng đỉnh thưởng thức, mặc dù vẫn trong giờ làm việc. 
Xây dựng môi trường làm việc văn hóa là điều cần thiết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Xây dựng môi trường làm việc văn hóa là điều cần thiết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ăn hàng kiểu công nghệ

Dường như chuyện ăn uống ở trung tâm này đã trở thành thói quen nên chẳng mấy ai trong số nhân viên ấy thấy chột dạ khi có sự xuất hiện của chúng tôi - khách tới liên hệ công việc. Chúng tôi được mời sang ngồi chờ ở phòng bên cạnh tầm 10 phút để chờ các nhân viên… ăn xong. 

Nếu trước đây, người dân hay phản ánh cán bộ, công chức, viên chức tới cơ quan điểm mặt rồi bỏ ra ngoài ăn sáng, uống cà phê, gần trưa mới đủng đỉnh vào làm việc, hoặc cán bộ đi muộn, về sớm… thì hiện nay, những hình ảnh ấy không còn phổ biến. Song, tình trạng đánh cắp giờ công lại biến thể, các cán bộ - nhất là cán bộ, công chức, viên chức trẻ - có nhiều cách để sử dụng giờ làm việc không đúng ngay trong cơ quan.

Võ Văn Ngữ, một tài xế xe ôm công nghệ, nói: “Giờ không phải ra ngoài, ở trong phòng vẫn có thể ăn hàng thì dĩ nhiên phải nhiều hơn trước rồi”. Theo Ngữ, hiện nay cánh tài xế xe ôm công nghệ không chỉ phục vụ khách có nhu cầu di chuyển mà họ còn kiếm tiền nhờ vào việc giao đồ ăn cho giới công sở, nhất là tại các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập đóng trên địa bàn TPHCM. “Giới công sở ăn vặt sôi động nhất là tầm 14-16 giờ. Nói thiệt chớ tầm đó, cánh tài xế chúng tôi cũng phải di chuyển như con thoi mới kịp giao đồ ăn cho khách. Chủ yếu là các đơn đặt món như: khoai chiên, bánh tráng trộn, gà nướng, trà sữa, sinh tố…”, Ngữ cho biết. Để minh chứng cho lời nói của mình, Ngữ gợi ý: “Chị không tin thì cứ đứng ở trước cổng mấy cơ quan nhà nước sẽ thấy, đội ngũ áo xanh, áo đỏ giao đồ ăn như tụi tui ra vào rất nhộn nhịp. Nhìn là biết liền”.

Rõ ràng, chỉ một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng là có hàng trăm món ăn ưa thích mời gọi trên các app như Grab, Momo, GoViet, Loship, FoodBee, FoodTime…, người mua có thể chọn bất cứ món nào chỉ bằng một cú click trong vòng một nốt nhạc. Chẳng phải đi đâu, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, chỉ vài phút sau đồ ăn được đem tới tận cổng, nóng hổi. Chính sự tiện lợi ấy mà xu hướng ăn hàng của giới công sở ngày càng phổ biến.

N.T.L.A, nhân viên một chi cục thuế quận X. tại TPHCM thừa nhận, cô hay được giao nhiệm vụ đặt đồ ăn qua mạng để cả phòng ăn xế. Dù ăn ngay trong phòng làm việc, trong giờ hành chính nhưng A. cho rằng, phải đi khỏi cơ quan làm việc để ra ngoài mới là sử dụng giờ công không đúng, còn ở đây “mọi người chỉ tranh thủ ăn chừng 15, 20 phút thì có xá gì”. Nói thì nói vậy nhưng nếu làm phép tính, 7 người trong phòng của A. đều dành 20 phút cho việc ăn xế thì mỗi ngày nhà nước đã mất hơn 2 giờ làm việc, biết bao nhiêu việc của người dân bị chậm giải quyết.

Đôi ba việc riêng 

Qua khảo sát, nhiều cán bộ, công chức, viên chức trẻ ở một số sở ngành, quận huyện than phiền quá tải công việc nhưng lại sẵn sàng dùng giờ làm việc để kết hợp một công đôi ba việc riêng.

Tiêu biểu nhất là tình trạng đánh cắp giờ công bằng việc bán hàng qua mạng, tán gẫu qua mạng đã và đang diễn ra trong nhiều năm qua. Hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức vừa làm việc, vừa tranh thủ đăng sản phẩm quảng cáo trên Facebook, Zalo và tư vấn cho khách hàng đang là mốt mà nhiều bạn trẻ trong các cơ quan nhà nước mặc nhiên cho là hợp lý trong xã hội hiện nay. Đủ các mặt hàng được các nhân viên trẻ giao bán: từ mỹ phẩm, quần áo, rau, củ, quả đến thực phẩm chức năng… 

N.H.H, công chức đang công tác tại sở N. luôn trực tuyến trên Facebook. Cứ vài giờ, H. lại đăng hình một món mỹ phẩm với góc chụp và lời quảng cáo rất trau chuốt. Thậm chí, cô còn trang trí bàn làm việc thật đẹp để bày mỹ phẩm ra chụp sao cho bắt mắt nhất. Trong vai người mua hàng, chúng tôi ghi nhận, H. luôn tư vấn nhiệt tình và sẵn sàng đi giao hàng cho khách dù đang trong giờ làm việc. H. khẳng định: “Tôi chỉ tranh thủ bán hàng vào những lúc trống việc, thay bằng “ngồi chơi xơi nước” thì làm cái này cái kia để có thêm thu nhập, không ảnh hưởng đến ai là được”. Tương tự, N.T.M (công tác tại viện K.) hay V.T.B.D (viên chức khu N.) cũng khẳng định việc họ bán hàng online trong giờ làm việc là tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhiệm vụ chính vẫn đảm bảo, hoàn thành nên không thể gọi là đánh cắp giờ làm việc.

Dù thừa nhận hay phủ định hành vi đánh cắp giờ công của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trẻ hiện nay, nhưng rõ ràng, khi sử dụng thời gian trong khung giờ 8 tiếng theo quy định của nhà nước vào những việc không được yêu cầu, không thuộc về nhiệm vụ của mình đã là vi phạm nguyên tắc.

Tại lễ phát động phong trào “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nhấn mạnh việc xây dựng phong trào trên cần dựa trên 3 trụ cột, trong đó, cần phải kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; không thể xây dựng công sở văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu chuẩn mực… 

Tin cùng chuyên mục