Đang tham gia BHXH mà qua đời thì người thân được hưởng chế độ gì?

° Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) 12 năm thì bị bệnh, mất đột xuất. Vậy người lao động được hưởng những quyền lợi gì? (Công ty TNHH Điện tử Viễn thông Hải Đăng, quận 10, TPHCM)

° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật BHXH, trường hợp người lao động tham gia BHXH 12 năm, bị bệnh mất đột ngột thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Về trợ cấp tử tuất đối với thân nhân người chết, do người lao động đóng BHXH dưới 15 năm nên căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật BHXH thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Mức hưởng trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, như sau: cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

° Người nhà tôi đang hưởng lương hưu thì qua đời. Người thân sẽ được hưởng các chế độ gì? (NGUYỄN HOÀNG NGA, quận 3, TPHCM)

° Người lao động đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, hoặc đang hưởng lương hưu mà qua đời, thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở.

Đồng thời, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Cụ thể: 1- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai. 2- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 3- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ. 4- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Thân nhân thuộc diện 2, 3, 4 phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

Mức hưởng tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì tỷ lệ này là 70%. Số thân nhân được xét hưởng tối đa không quá 4 người.

Nếu không có thân nhân đủ điều kiện hưởng tuất hàng tháng hoặc có thân nhân đủ điều kiện hưởng hàng tháng nhưng lại có nguyện vọng hưởng tuất 1 lần (trừ trường hợp có con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) thì được giải quyết tuất 1 lần.

Trong đó, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu; mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Trong trường hợp người lao động đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, hoặc đang hưởng lương hưu chết mà không có thân nhân thì trợ cấp tuất 1 lần thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, 
số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; 
hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục