Dân thiếu nước sử dụng do khai thác đất?

Hàng chục hộ dân ấp Bàu Công (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đang bị thiếu nước để tưới tiêu, thậm chí nước sinh hoạt hàng ngày cũng không đủ. Nguyên nhân, theo người dân, là do hầm đất gần đó hút hết mạch nước ngầm.
Khai thác quá sâu gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân
Khai thác quá sâu gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân

Ông Trịnh Văn Cảnh, một người dân ở đây, cho biết: Lâu nay, người dân ở khu vực này chuyên dùng nước giếng khoan để sử dụng cho sinh hoạt và dùng tưới tiêu cho sản xuất rau màu, ruộng lúa, đột nhiên cả tháng nay không có nước để dùng. Trước tình cảnh này, nhiều nhà đành phải bỏ ruộng, vườn hoang. “Nước tưới không đủ đã đành, ngay nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày của mọi người cũng cạn kiệt nên người dân rất khổ sở”, ông Cảnh bức xúc. Nhiều gia đình nghĩ ra cách đào hố sâu xuống 1-2m để đặt máy bơm, với hy vọng sẽ hút được nguồn nước mạnh hơn. Thế nhưng, nguồn nước ngầm vẫn “ít xìu”, bơm tắt liên tục rất tốn điện. 

Nhiều người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến cạn nguồn nước ngầm là do các hầm đất gần đó khai thác đất quá sâu, nguồn nước bị rút hết về đó. Người dân đã nhiều lần phản ánh, cầu cứu với chính quyền xã yêu cầu doanh nghiệp khai thác đất hầm ngừng khai thác để giữ nguồn nước ngầm cho dân, nhưng chính quyền... thờ ơ.

Theo tìm hiểu, trước đây dự án thủy lợi Phước Hòa huy động gần 200ha đất phục vụ để san lấp mặt bằng, phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp, tạo ra các hầm đất sâu. Sau khi dự án thủy lợi hoàn thành, số hầm đất tiếp tục được “quy hoạch” để khai thác. Riêng hầm đất đang khai thác ở gần ấp Bàu Công có diện tích hơn 20ha, do Công ty TNHH Thành Hữu Nghị khai thác. Hầm đất này thuộc bãi vật liệu số 1, sau được “quy hoạch” làm bãi khai thác đất mặt lấy đất phục vụ cho dự án thủy lợi Phước Hòa. Hầm đất chỉ khai thác lớp đất mặt chưa tới 6m, nay công ty này khai thác có nhiều chỗ sâu tới hơn 20m. Bà Trần Thị Ngọc Sương, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng có lập biên bản về việc doanh nghiệp có khai thác cát ở hầm đất và cũng đã báo cáo cấp trên. Còn việc doanh nghiệp này có giấy phép khai thác hay không và được khai thác độ sâu bao nhiêu thì do Sở TN-MT tỉnh nắm”. Theo bà Sương, việc doanh nghiệp khai thác hầm đất này có ảnh hưởng đến giếng khoan, mạch nước ngầm mà người dân đang khai thác hay không thì phải kiểm tra, đánh giá mới biết được. Trước đây, cũng tại khu vực này, việc khai thác đất hầm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đã được nói nhiều, nhưng đến nay vẫn  tồn tại.

Tin cùng chuyên mục