Dân kêu trời vì cơ sở nuôi tôm xả thải

Nhiều năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Kỳ Phú và xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một cơ sở nuôi tôm trên cát xả thải ra môi trường.

Theo hướng dẫn của người dân, mới đây, phóng viên Báo SGGP đã đến khu vực giáp ranh giữa thôn Phú Lợi (xã Kỳ Phú) và thôn Trung Tân (xã Kỳ Khang), huyện Kỳ Anh. Tại đây, chỉ cách bờ biển hơn 200m là một cơ sở nuôi tôm đang xả nước thải ra môi trường. Dưới mương, nước đen ngòm chảy xuyên qua bãi cát ra tận biển. Nước thải kết hợp với nắng nóng gay gắt khiến không khí bức bí, hôi thối nồng nặc.

Ông Lê Minh Tâm (60 tuổi, trú tại thôn Phú Lợi), bức xúc: “Cơ sở nuôi tôm đã về đây từ nhiều năm nay và xả thải ra môi trường. Trước đây, người dân ở xã Kỳ Phú, Kỳ Khang còn ra đây để tắm biển, nhưng kể từ khi có hồ nuôi tôm đến nay thì khu vực bãi biển, khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân xuống tắm biển đều bị ngứa, không ai còn dám ra tắm nữa. Mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm, cuộc sống người dân khổ sở, đảo lộn. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng không có kết quả”.

Còn bà Nguyễn Thị Dẩn (62 tuổi, trú tại thôn Phú Lợi), nói thêm: “Các hộ ở gần hồ tôm và gần mép biển, hầu như phải đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm. Nếu sắp tới vẫn không có phương án giải quyết dứt điểm, người dân sẽ lên huyện, tỉnh để tiếp tục kêu cứu”.

Ông Trần Đình Hậu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, cho biết, toàn thôn Phú Lợi có khoảng 420 hộ dân, thời gian qua tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ hồ nuôi tôm xả thải, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, phần diện tích đất nuôi tôm này nằm ở địa bàn xã Kỳ Khang, hiện xã vẫn chưa kiến nghị lên cấp trên.

Ông Hồ Xuân Trính, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang, cho biết, cơ sở nuôi tôm này là của ông Trương Quốc Sơn, theo hợp đồng thuê đất thì tỉnh cho cơ sở thuê diện tích sử dụng gần 3ha, trong thời gian 20 năm. Hiện cơ sở mới sử dụng một số hồ nuôi tôm với khoảng 1,5ha và bắt đầu nuôi tôm từ năm 2013-2014 đến nay.

“Thời gian qua người dân ở thôn Trung Tân (toàn thôn có hơn 400 hộ dân với khoảng 1.200 nhân khẩu) đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị về việc xử lý hồ nuôi tôm của cơ sở này xả thải gây mùi hôi, xã cũng đã đến kiểm tra. Tuy nhiên, xã không rõ quy trình nuôi tôm của cơ sở thực hiện có đúng theo hồ sơ lập hay không; xã đã đôn đốc, nhắc nhở cơ sở phải thực hiện đúng theo quy trình nuôi. Cái khó là cơ sở nuôi tôm này lại nằm ngay sát cửa biển và ở quá gần dân cư. Trước đây, khi tỉnh cấp phép cho nuôi tôm ở vị trí này, địa phương thực sự thấy là không phù hợp. Hiện xã đã báo cáo lên cấp trên…”, ông Trính nói. 

Theo hợp đồng thuê đất, tỉnh cho cơ sở nuôi tôm thuê với thời hạn 20 năm, nhưng phần diện tích đất còn lại chưa sử dụng, nếu sắp tới cơ sở này muốn đề xuất tiếp tục thuê, chính quyền địa phương sẽ kiên quyết không đồng ý, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết.

Tin cùng chuyên mục