“Dân dĩ thực vi thiên”; “Dân dĩ thực vi tiên” câu nào đúng?

Hỏi: Có người nói: “Dân dĩ thực vi thiên”; người khác lại nói: “Dân dĩ thực vi tiên”. Xin giải thích ý nghĩa của mỗi câu và câu nào đúng?
Võ Thị Kim Huệ (35/16 Trần Kế Xương, P7, Q.Phú Nhuận, TPHCM)

Theo Lê Văn Đức, trong Tự điển Việt Nam (1970), câu “Dân dĩ thực vi thiên” có nghĩa là “Dân lấy ăn làm trời” (nghĩa hẹp) và giải thích thêm “Dân lấy miếng ăn làm trọng, nên muốn trị dân trước hết phải làm cho dân no ấm vì dân đói thì nước loạn”.
Còn câu “Dân dĩ thực vi tiên” thì các từ điển không ghi chữ “dân” mà chỉ có “dĩ thực vi tiên”. Nguyễn Lân trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nxb Văn hóa, 1989) giải thích: “Quan niệm thực dụng cho ăn là trên hết”. Còn Nguyễn Lực – Lương Văn Đang trong Thành ngữ tiếng Việt (Nxb KHXH, 1978) giảng giải: “Coi việc ăn uống là quan trọng hơn cả”.

Có lẽ câu trên là câu gốc, nhưng những người Việt Nam thực tế thấy thiên (trời) có vẻ xa xôi nên đã sửa lại thành tiên là “trước hết” cho cụ thể, gần gũi. Vậy hai câu bạn hỏi đều đúng vì đều đề cao tầm quan trọng của việc ăn uống.

PGS.TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục