Dân cần gì ở thành phố thông minh?

Chủ trương xây dựng thành phố thông minh là một chủ trương đúng đắn, có tầm nhìn dài hạn đối với TPHCM - một thành phố năng động, đầu tàu kinh tế - văn hóa của cả nước.
Ngập nước, kẹt xe là các vấn nạn cần giải quyết rốt ráo
Ngập nước, kẹt xe là các vấn nạn cần giải quyết rốt ráo
 Tuy nhiên, tính từ khi ban điều hành đề án họp phiên đầu tiên vào tháng 9-2016 đến nay, việc cam kết trình đề án vào tháng 12-2016 đã trễ hẹn quá lâu.   Để đề án nói trên thành hiện thực, tôi xin góp ý mấy vấn đề. Khi dự thảo đề án hoàn thiện, nên công bố rộng rãi cho người dân biết và tham gia góp ý, đặc biệt các tổ chức hội đoàn, nên tổ chức các buổi sinh hoạt góp ý phản biện với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý. Dự thảo đề án về chặng đường dài của hình hài thành phố tương lai, nhưng nên bố cục nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từng khu vực, do mặt bằng kinh tế - xã hội của thành phố không đồng đều.  Ở góc độ người dân, chúng tôi cần sự tiện lợi, giảm chi phí và thời gian trong đi lại, thủ tục giấy tờ; được sống trong một không gian thân thiện môi trường. Nhiều chuyên gia có dịp đi nghiên cứu ở Nhật, Hàn Quốc… về kể: Nước ngoài xây dựng thành phố thông minh theo mô hình nhỏ rồi mới nhân rộng ra, không làm đồng loạt hay ồ ạt. Họ làm các “tiểu đô thị thông minh” trong đó nguồn điện hay nước tiêu dùng đều đo chỉ số tiêu thụ qua mạng, không phải tới nhà ghi, tận dụng tối đa các nguồn năng lượng thân thiện từ mặt trời, rác thải được phân loại và chế biến, tái sử dụng cho nhiều mục đích, an ninh trật tự, giao thông… đều được quan sát bằng camera.  Đề án xây dựng thành phố thông minh là một khát vọng lớn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cần xây dựng những bước đi phù hợp, “liệu cơm gắp mắm” để tránh lãng phí. Những cố gắng trong nhiều năm qua của TPHCM đã thắp lên những đốm sáng ban đầu cho hình hài thành phố thông minh tương lai. Ngành điện lực đang lắp đặt thí điểm điện kế điện tử đo từ xa; ngành cấp nước đang tiếp bước; nhiều sở - ngành đã xây dựng xong cửa trực tuyến dịch vụ công để người dân có nhu cầu vào truy cập, giao thông đã có xe Uber, Grab… Tất cả chỉ mới là bước đầu.
Điều người dân cần nhất hiện nay là làm sao không còn ngập nước và kẹt xe, không khí không bị ô nhiễm, đi khám bệnh nhanh lẹ, vào viện không phải kè kè sổ khám bệnh và phải nằm dưới đất hay gầm giường... 
Chúng ta không thiếu những bài học về các đại dự án hoặc những đề án mà “đề” mãi chưa xong. Nhưng không có nghĩa thấy việc khó mà không làm, hay bàn ra. Một khát vọng lớn chỉ thành hiện thực khi có bước đi phù hợp, khoa học, được dân ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục