Đảm bảo lợi ích của người dân đầm Trà Ổ

Liên quan đến việc người dân phía Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) liên tục phản đối dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ (đặt tại vùng đầm xã Mỹ Lợi), dư luận cho rằng, tỉnh Bình Định cần thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, địa phương và cả doanh nghiệp trước khi triển khai dự án.
Người dân thôn Châu Trúc dựng rạp canh giữ 3 ô tô (trong đó 2 xe công vụ) để mong được đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Định về dự án điện mặt trời, vào tháng 7-2018.
Người dân thôn Châu Trúc dựng rạp canh giữ 3 ô tô (trong đó 2 xe công vụ) để mong được đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Định về dự án điện mặt trời, vào tháng 7-2018.

Trong ngày 8-5, khi đơn vị thi công đưa máy móc, phương tiện đến mở đường vào đầm Trà Ổ, đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân sống ven đầm. Nguyên do là dự án này (có vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng) được thực hiện đồng nghĩa người dân ven đầm mất ngư trường - môi trường mưu sinh của bao thế hệ dân bản địa.  

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Đức Thoa, Giám đốc Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam (chủ đầu tư dự án), cam kết dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường, tôm cá, sinh thái trên đầm Trà Ổ.

“Có 35 hộ dân ảnh hưởng ở vùng dự án, đang phối hợp với địa phương thống nhất mức giá bồi thường cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu dự án đi vào hoạt động, công ty cam kết ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Hàng năm công ty hỗ trợ 1 tỷ đồng góp quỹ công ích, phúc lợi để xây dựng kinh tế, hạ tầng tại địa phương cũng như hoàn thành nghĩa vụ thuế 25- 30 tỷ đồng”, ông Thoa nói. 

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khoảng 45 hộ dân hành nghề xung điện xiệc máy, lưới lồng trên đầm Trà Ổ đang đòi quyền lợi. Do Luật Thủy sản nghiêm cấm việc sử dụng loại hình đánh bắt hủy diệt này nên địa phương đang tập hợp các hộ dân để bồi thường, chuyển đổi ngành nghề. Sắp tới chính quyền hỗ trợ chuyển đổi nghề 10 triệu đồng/hộ.

Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết, mỗi năm hỗ trợ vài tỷ đồng để mua cá giống thả vào đầm, tăng nguồn lợi thủy sản cho các nghề truyền thống của người dân 5 xã ven đầm.

Tin cùng chuyên mục