Đảm bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn trong mùa khô

Qua theo dõi, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) xác định nhu cầu sử dụng nước trong những tháng mùa khô như hiện nay tăng khoảng 10% (hiện mỗi ngày Sawaco cung cấp khoảng 1,8 triệu m3 nước sạch). 
Bể chứa nước của Nhà máy nước Thủ Đức. Ảnh: MAI MINH
Bể chứa nước của Nhà máy nước Thủ Đức. Ảnh: MAI MINH

Sawaco tiên liệu những kịch bản xấu tác động đến việc cung cấp nước, từ đó đưa ra giải pháp đồng bộ và cụ thể. Đến nay, Sawaco đảm bảo cung cấp nguồn nước an toàn, liên tục cho người dân TPHCM, kể cả trong những ngày oi bức, nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh.

Tăng lưu lượng nước cuối nguồn

Ông Lê Hữu Quang - Trưởng phòng Kinh doanh Dịch vụ khách hàng Sawaco, nhận xét, nhu cầu sử dụng nước của người dân TPHCM không ngừng gia tăng. Đặc biệt, ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như quận 9, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, yêu cầu phát triển mạng lưới cấp nước càng tăng cao.

“Trong mùa khô, việc sử dụng nguồn nước ngầm gặp khó khăn hơn; đồng thời, thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch”, ông Quang phân tích. 

Mặt khác, theo kế hoạch hạn chế khai thác nước ngầm, các trạm nước ngầm, Nhà máy nước Tân Phú giảm sản lượng khai thác nước ngầm theo lộ trình. Tuy nhiên, một số nhà máy trên địa bàn thành phố đã được đầu tư, nâng công suất, tăng sản lượng nên đủ khả năng cung cấp nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Vấn đề là có phương án phân vùng, điều phối mạng lưới phù hợp”, ông Quang nhận xét. Các nhà máy nước đã xây dựng các phương án, thực hiện các biện pháp cụ thể để điều tiết lượng nước nhằm tăng áp lực và lưu lượng cho các khu vực nước yếu, thiếu, đặc biệt là khu vực cuối nguồn.

Ngoài ra, Sawaco cũng yêu cầu các công ty cổ phần cấp nước, xí nghiệp truyền dẫn nước sạch, Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn có phương án điều tiết mạng lưới cấp nước thuộc phạm vi quản lý, cân bằng áp lực mạng và đảm bảo phân phối lượng nước đến các khu vực nước yếu, cuối nguồn.

Đặc biệt, Nhà máy Cấp nước Tân Hiệp được xác định giữ vai trò quan trọng, sẽ chịu trách nhiệm điều phối sản lượng của cụm Nhà máy Tân Hiệp; đồng thời phải luôn sẵn sàng phương án vận hành các nhà máy bù vào sản lượng nước thiếu hụt, nhất là khi Nhà máy Cấp nước Kênh Đông giảm công suất (trong thời gian thi công tuyến kênh N46) hoặc Nhà máy Cấp nước Kênh Đông tạm ngưng hoạt động.

Ông Lê Hữu Quang khẳng định, từ việc xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể, đến thời điểm hiện nay và hết mùa khô 2019, Sawaco sẽ tiếp tục đảm bảo cung cấp nước ổn định, liên tục cho khách hàng.

Đảm bảo chất lượng nguồn nước mặt

Để đủ nước cung cấp cho người dân, điều không thể thiếu là nguồn nước thô phải đảm bảo chất lượng. Vì vậy, từ đầu mùa khô, Sawaco đã yêu cầu cần đặc biệt theo dõi chất lượng nguồn nước thô (về tình hình ô nhiễm, về nhiễm mặn) để lên các kịch bản ứng phó.

Ban Giám đốc Sawaco nhận xét, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng nước: “Nắng nóng, mưa ít do tác động của El Nino xảy ra trong mùa khô năm 2019, dẫn đến biến động nguồn nước và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng”.

Từ đó, Ban giám đốc Sawaco yêu cầu các đơn vị, phòng ban trực thuộc xây dựng các phương án đảm bảo cung cấp nước được ổn định, liên tục. Đặc biệt là các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước thành phố, để ngăn ngừa các sự cố lớn làm yếu, thiếu nước trên diện rộng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Ông Trần Kim Thạch - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, cho biết, trước yêu cầu này, phòng tập trung thường xuyên hơn việc theo dõi tình trạng xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nước trên sông. Cụ thể, phòng có hệ thống online theo dõi độ mặn nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai một cách liên tục.

Nhưng trong mùa khô, hiện tượng xâm nhập mặn có thể xảy ra nên bên cạnh theo dõi online còn phải theo dõi thủ công, nhất là vào các đợt triều cường. Ngưỡng mặn “chịu đựng” của nguồn nước thô là 250mg/lít nhưng khi kết quả theo dõi lên trên 150mg/lít thì các kỹ sư, nhân viên của phòng căng mắt hơn, theo dõi thủ công liên tục.

“Khi xác định độ mặn gia tăng thì phòng sẽ báo cáo lãnh đạo tổng công ty phối hợp với các đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) xả nước đẩy mặn”, ông Thạch thông tin. Để đẩy mặn ở các vị trí lấy nước thì các hồ chứa phải xả trước đó vài ngày.

Do đó, tổng công ty phải làm việc với các đơn vị quản lý hồ để xây dựng kế hoạch phối hợp, vừa đảm bảo kế hoạch vận hành, hoạt động của các hồ, vừa đảm bảo phối hợp, hỗ trợ Sawaco ngăn xâm nhập mặn.

Theo ông Thạch, những ngày gần đây, có một số cơn mưa đã góp phần làm giảm độ mặn trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nên các nhà máy nước vận hành bình thường.

Tuy nhiên, trước đây có lúc độ mặn trên sông vượt ngưỡng khi đạt mức 300mg/lít và các nhà máy phải tạm ngưng lấy nước mặt trên sông. “Lúc này, các nhà máy phải sử dụng đến nước thô trong các bể chứa”, ông Thạch nói. Nguồn nước dự trữ này chỉ có thể giúp các nhà máy xử lý vận hành trong 6 - 8 giờ.

Vì thế, việc theo dõi chất lượng nước mặt là rất quan trọng. Sawaco cũng có các phương án “xử lý từ xa” nhằm đảm bảo việc cung cấp nước cho người dân thành phố được liên tục và ổn định.

Tin cùng chuyên mục