Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Đảm bảo chất lượng giảng dạy, giảm quá tải trong quản lý giáo dục

Xác định giáo dục là vấn đề rất quan trọng và phải hết sức cẩn trọng khi quyết định nên Quốc hội đã dành đầu giờ sáng hôm qua để ghi nhận thêm một số ý kiến đóng góp của đại biểu về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đảm bảo chất lượng giảng dạy, giảm quá tải trong quản lý giáo dục

Xác định giáo dục là vấn đề rất quan trọng và phải hết sức cẩn trọng khi quyết định nên Quốc hội đã dành đầu giờ sáng hôm qua để ghi nhận thêm một số ý kiến đóng góp của đại biểu về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

  • Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
    Lấy thêm ý kiến nhân dân về Luật Giáo dục

Việc chỉ khoảng 6 năm mà chúng ta phải xem xét sửa đổi Luật Giáo dục chứng tỏ đây là vấn đề rất quan trọng đối với nước ta hiện nay và tương lai. Mặc dù có rất nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến nhưng tôi nghĩ còn rất nhiều ý kiến bên ngoài của nhân dân cũng rất đáng quan tâm.

Đảm bảo chất lượng giảng dạy, giảm quá tải trong quản lý giáo dục ảnh 1

Vì vậy, tôi đề nghị ngay sau kỳ họp này, dự thảo luật cùng với nội dung ý kiến góp ý của đại biểu cần được tập họp lại và đưa ra lấy ý kiến tiếp của nhân dân. Tôi nghĩ có như thế chúng ta mới có thể ghi nhận được tất cả những gì hợp lý và tốt nhất cho dự luật này.

Một vấn đề khác tôi xin góp ý là trong dự thảo luật quy định quá sơ sài về chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Việc phải quản lý các công tác liên quan đến 25 triệu người học là vấn đề lớn, nhưng trách nhiệm chính của Bộ GD-ĐT là gì thì chưa được xác định rõ, điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải như thời gian qua. Có những vấn đề không cần thiết can thiệp nhưng Bộ vẫn tham gia. Vì vậy tôi đề nghị có chương riêng quy định về chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT để quy định từng nhiệm vụ cụ thể bắt buộc phải thực hiện, còn có những việc không cần thiết thì có thể để nơi khác làm.

  • Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận)
    Đầu tư hợp lý hơn cho ngành giáo dục mầm non

Ngành giáo dục mầm non hiện nay chưa được đầu tư đúng mức, có khoảng cách quá xa về đầu tư cho giáo dục mầm non giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa. Việc đầu tư ngân sách và huy động vốn xây dựng trường lớp mầm non ở nông thôn đang bị bỏ ngỏ do không có quy định cụ thể về chính sách đầu tư cũng như phương thức huy động. Chế độ lương cho giáo viên mầm non cũng rất bấp bênh và may rủi.

Giáo dục mầm non đã được luật quy định là một bộ phận của giáo dục quốc dân nhưng chưa có sự đầu tư thỏa đáng, tương xứng với các thành phần khác thì làm sao chúng ta có được chất lượng cần thiết đảm bảo đông đảo các cháu chuẩn bị vào trường phổ thông. Do vậy, luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể hơn vấn đề đầu tư cho giáo dục mầm non sao cho cân đối, hợp lý với các ngành học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

  • Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)
    Học sinh được bảo đảm học bao nhiêu giờ trong tuần?

Hiện nay tình trạng giảng viên đại học quá tải cũng là điều dễ nhận thấy. Nhiều người ngoài giảng dạy tại trường chính còn nhận thêm thỉnh giảng các nơi. Việc này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào, vì vậy tôi nghĩ trong luật cũng cần đề cập để bảo đảm chất lượng giảng dạy cũng như học tập của giảng viên và sinh viên. Đối với các cấp học, nhất là bậc phổ thông, tổng số giờ học trong tuần hiện cũng chưa hợp lý. Người lớn chỉ làm việc 40 giờ/tuần trong khi đó học sinh có em phải học đến 70 giờ/tuần vì ngoài học chính khóa thì còn phải học thêm nhiều môn. Điều này không thể đem lại điều gì tốt hơn cho tương lai nếu chúng ta không có quy định ngay trong luật.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị luật phải có chương hoặc các điều nói về chương trình chuẩn, từ đó mới quy định về sách giáo khoa chứ không thể làm ngược lại.

G.A. - H.Tr.

Tin cùng chuyên mục