Đại tướng Lê Đức Anh và quyết định lịch sử trong những năm đầu đổi mới

Việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1987-1990, thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Việc này cũng góp phần tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới, phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại và xu thế phát triển về kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước, đặt tiền đề cho tiến trình phá bỏ thế cấm vận, hội nhập và phát triển thập niên 90 của thế kỷ trước!

Cuộc giảm quân phi thường chưa có tiền lệ

Đất nước hòa bình thống nhất, sau khi từ nhiệm chức Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Với tư chất đặc biệt thông minh, lối tư duy sắc bén, biện chứng, hệ thống, mẫn cảm về chính trị và bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, Đại tướng luôn có tầm nhìn chiến lược trước mọi diễn biến của thời cuộc và khả năng tổ chức thành công các nhiệm vụ khó khăn trong thực tiễn. Trong thời kỳ giữ trách nhiệm Tổng Tham mưu trưởng (từ tháng 12-1986) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 2-1987), Đại tướng có nhiều đề xuất quan trọng và được Bộ Chính trị phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện, trong đó có vấn đề giảm quân và điều chỉnh thế bố trí chiến lược quốc phòng. Những nội dung đến nay vẫn còn tính thời sự.

Đại tướng Lê Đức Anh  tại Trường Sa năm 1988.         Ảnh: TL

Đại tướng Lê Đức Anh nhận nhiệm vụ Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong bối cảnh đất nước bị bao vây cấm vận, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng, lạm phát lên 744%. Quân đội thường trực lúc cao nhất đến 1,6 triệu người, vượt quá xa khả năng bảo đảm của hậu cần quân đội, trong lúc vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên trong nước, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và đương đầu với hoạt động gây hấn thường xuyên của quân địch ở phía Bắc.

Do đóng chốt trên dọc tuyến biên giới địa hình chia cắt phức tạp, đời sống của bộ đội gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân nhưng vẫn không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu về ăn ở, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội.

Đại tướng Lê Đức Anh và Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài
 Vì thế, giảm quân số là phù hợp với tiến trình điều chỉnh thế bố trí chiến lược theo tư duy mới, tập trung ngân sách cho việc xây dựng và huấn luyện chiến đấu của lực lượng vũ trang. Giảm quân số còn để giảm gánh nặng quốc phòng, chuyển một bộ phận lớn sức lao động đang ở độ tuổi sung sức tham gia vào hoạt động sản xuất, trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. 

Sau khi nghiên cứu, đề đạt ý kiến và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giảm quân, Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch giảm trên 60% quân số thường trực, xác định các đối tượng giảm và lộ trình giảm trong 3 năm. Theo đó, các đơn vị được cắt giảm gồm trung đoàn, tiểu đoàn thứ tư của các sư đoàn; rút gọn biên chế đối với tất cả các sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng, khung huấn luyện, trường lớp của các quân khu, các quân chủng, binh chủng, cơ quan, cơ sở phía sau. Cùng đó là chuyển bớt một số cơ sở xây dựng kinh tế ra nhà nước quản lý; kiện toàn cơ quan quân sự tỉnh, huyện. Đến năm 1988, theo quy hoạch giảm 44 vạn quân so với năm 1986, đến năm 1990, toàn quân còn 70 vạn (trong đó có 5 vạn quân xây dựng kinh tế). Đó là cuộc giảm quân phi thường, chưa từng có trong tiền lệ quân đội Việt Nam và cả ở nước ngoài!

Lần đầu bộ đội ra nước ngoài lao động

Việc giảm quân số tạo ra nhiều hệ lụy. Không ít người không đồng ý hoặc do nhận thức sự việc hoặc vì ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Vấn đề đặt ra trước tiên là phải giải quyết chính sách chế độ cho cán bộ, sĩ quan. Trong số những cán bộ từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuổi tương đối lớn, nay ở địa phương không có nhà, đất và nếu có đất cũng không có tiền để xây nhà. Đại tướng Lê Đức Anh đã đề nghị và được Bộ Chính trị cho phép trích một phần quỹ đất quốc phòng ở doanh trại còn bỏ hoang để chia nhỏ và cấp cho bộ đội tự xây nhà ở, đơn vị lo phần cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước... cho cả khu hộ gia đình. Trong đó, ưu tiên cho số cán bộ được giải quyết ra quân (như về hưu, nghỉ mất sức), cán bộ diện chính sách (như thương binh, con gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng). Số cán bộ không có gia đình ở đô thị, trở về sinh sống ở nông thôn thì cấp một khoản tiền cùng với doanh cụ, vật liệu xây dựng để họ có thể xây dựng được căn nhà cấp 4.

Mặt khác, đối với số cán bộ, chiến sĩ thuộc diện giảm quân số, nhưng tuổi còn trẻ, có sức khỏe tốt, Đại tướng đề nghị các bộ, ban ngành có liên quan ưu tiên bộ đội xuất ngũ được đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Đề nghị được Trung ương nhất trí, các bộ, ban ngành ủng hộ. Lần đầu tiên trong lịch sử quân đội, bộ đội ra quân được tổ chức thành “đoàn”, “đội” có tổ chức nền nếp, chặt chẽ ra nước ngoài lao động. Tính từ năm 1987 đến 1990, quân đội đã tổ chức cho 37.338 người đi lao động xuất khẩu. Trừ một số rất ít ở lại nước sở tại, còn hầu hết đều về nước sau khi được đào tạo nghề và có một khoản thu nhập làm vốn đầu tư sản xuất ổn định kinh tế gia đình, góp phần giải quyết khó khăn chung cho đất nước.

Với bộ đội tại ngũ, do quân số được giảm mạnh, ngân sách quốc phòng ưu tiên cho hoạt động mua sắm trang bị, huấn luyện, chiến đấu, được dành một phần đáng kể để nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần. Tiền lương của sĩ quan và những người hưởng lương trong quân đội được nâng lên gấp 1,5 lần so với trước năm 1986. Hậu phương ổn định, thu nhập cao hơn, người đã lập gia đình riêng có nhà ở, cán bộ, chiến sĩ toàn tâm toàn ý chiến đấu và công tác. Chất lượng xây dựng đơn vị và hoạt động huấn luyện, chiến đấu và công tác được nâng dần lên.

Việc giảm quân số gắn liền với tiến trình bố trí lại lực lượng sao cho phù hợp với xu thế đổi mới vừa được Đại hội Đảng khóa 6 khởi xướng, khắc phục được những khó khăn vừa nêu mà vẫn giữ vững và tăng cường được khả năng phòng thủ đất nước. Đó là con đường đổi mới trong xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với phát triển kinh tế. Sau đợt khảo sát thực tế, Đại tướng Lê Đức Anh báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương và giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đại tướng cùng Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê chỉ đạo các cơ quan tác chiến và quân lực triển khai nghiên cứu, biên soạn và tổ chức thực hiện việc điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược trên phạm vi toàn quốc.

Theo Đại tướng Lê Đức Anh, “Đây không phải là sự bố trí cơ học thuần túy vị trí đứng chân của từng đơn vị, mà phải dựa trên nền tảng tư duy mới, gắn với việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), để vừa chống được bạo loạn lật đổ trong nội địa, vừa chống được chiến tranh xâm lược từ ngoài vào”. Đại tướng luôn nhấn mạnh, việc bố trí thế chiến lược nói trên phải do cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, điều hành. Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh (thành phố), trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và khu vực phòng thủ của địa phương đủ sức giữ vững trật tự an ninh chính trị, xã hội vừa sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống. Đại tướng còn cùng cơ quan Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo từng việc cụ thể về bố trí từng đơn vị, điều chuyển từng cơ quan của bộ, của các quân khu, quân chủng, nhất là lực lượng phòng không quốc gia và lực lượng hải quân, phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa.

Tin cùng chuyên mục