Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM: Người dân cần trang bị cho mình kỹ năng thoát nạn

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo người dân TP về các giải pháp cơ bản tự bảo vệ bản thân và gia đình, tránh những tai nạn thảm khốc có thể xảy ra khi gặp phải trường hợp cháy nổ.
 
Tổ chức phân công cho từng bộ phận
Tổ chức phân công cho từng bộ phận
° Phóng viên: Xoay quanh những thông tin trên báo chí về vụ cháy tòa nhà Grenfell, thủ đô London (Anh), có trường hợp người dân thoát nạn bằng cách xả nước trong nhà khi xảy ra cháy và chờ lực lượng đến ứng cứu; có trường hợp ôm nệm nhảy xuống đất. Về góc độ chuyên môn, đồng chí đánh giá như thế nào đối với cách thoát nạn trên?

° Đại tá Lê Tấn Bửu: Trong tất cả các trường hợp cháy chung cư hoặc nhà cao tầng, thì lối thoát nạn thông dụng nhất là cầu thang bộ. Trường hợp người dân thoát nạn bằng cách xả nước trong nhà khi xảy ra cháy, chờ lực lượng đến ứng cứu cũng là một trong các cách để giảm nhiệt độ nóng và hạn chế diện tích đám cháy lan rộng. Về trường hợp ôm nệm nhảy xuống đất, là điều tối kỵ. Tấm nệm không giúp giảm được sát thương khi rơi từ trên tầng cao xuống. Chúng tôi vẫn thường xuyên khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn thoát nạn nhà cao tầng cho người dân khi có xảy ra sự cố cháy, nổ. Trang bị cho họ những kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất ứng phó và bảo vệ bản thân khi có sự cố xảy ra, trước khi lực lượng chức năng đến.

° TPHCM có nhiều tòa nhà cao tầng, để tránh thảm họa bất ngờ như vụ cháy tòa nhà Grenfell, Cảnh sát PCCC có những giải pháp gì để phòng ngừa, thưa đồng chí? 

° Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC, Cảnh sát PCCC TPHCM rất chú trọng các điều kiện an toàn về PCCC đối với các loại hình chung cư, nhà cao tầng; đặc biệt là các giải pháp ngăn cháy lan của công trình. Các chung cư, nhà cao tầng có đặc điểm là nơi tập trung đông người, lối thoát nạn tập trung tại các cầu thang bộ. Việc khống chế đám cháy trong một khu vực nhất định, không để cháy lan sang các khu vực khác của công trình tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nạn; người dân có thời gian để thoát ra ngoài công trình an toàn. 
Khuyến cáo người dân TP về các giải pháp cơ bản tự bảo vệ bản thân và gia đình, tránh những tai nạn thảm khốc có thể xảy ra khi gặp phải trường hợp cháy nổ, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM khẳng định: Việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn PCCC và kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc rất quan trọng.
Riêng tại các tòa nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại thì cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC, như việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang bị các phương tiện cần thiết như thang dây, bình chữa cháy xách tay để có thể dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, tạo mọi thuận lợi cho người dân tự cứu mình trước khi chờ lực lượng chức năng đến ứng cứu.

Hiện trên địa bàn TP có 1.037 công trình nhà ở chung cư có quy mô khác nhau. Số nhà chung cư có chiều cao từ 10 tầng trở lên có 297 công trình và còn có 474 công trình chung cư xây dựng trước năm 1975 và nhà chung cư xây dựng sau khi có luật PCCC nhưng không thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Qua khảo sát có nhiều công trình không đảm bảo các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn; hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng; tình trạng tự ý xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, cầu thang thoát nạn và câu mắc hệ thống điện, sử dụng thiết bị điện không an toàn rất phổ biến. 

Thời gian gần đây, một số chung cư cao tầng đang trong giai đoạn thi công, chưa thực hiện việc nghiệm thu về PCCC, hoàn thành công trình theo quy định của pháp luật đã đưa dân vào sinh sống hình thành những nguy cơ về cháy, nổ và tai nạn, sự cố mà từ đó có thể gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản... Do đó, Cảnh sát PCCC TP sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị địa phương kiểm tra các công trình tòa nhà chung cư cao tầng và báo cáo, đề xuất Bộ Công an chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác PCCC.

Trước mắt, đối với các công trình xây dựng cũ, đa phần là các chung cư xây dựng trước năm 1975, công trình đã xuống cấp, không có giải pháp ngăn cháy lan hiệu quả, các hệ thống PCCC không có hoặc không đầy đủ thì không chỉ lực lượng Cảnh sát PCCC mà chính quyền địa phương cũng cần lưu ý nhiều hơn. Để đảm bảo việc tổ chức thoát nạn tốt tại các công trình trên khi có sự cố xảy ra, người dân cần tham gia các buổi huấn luyện, thực tập về PCCC để thực hiện nhuần nhuyễn các phương án thoát nạn với các tình huống cháy khác nhau. Không bố trí các vật dụng cản trở lối thoát nạn, làm hư hỏng, mất tác dụng của các hệ thống, thiết bị ngăn cháy lan, hỗ trợ thoát nạn. 

Thực tập chữa cháy trong đợt cao điểm mùa khô

Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân vừa phối hợp với Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Tân tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2017 (tại địa chỉ số 158 đường số 19, khu phố 6, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM). Giả định cháy tại khu vực kho chứa hàng. Sau khi phát lệnh, lực lượng PCCC đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ theo đúng kế hoạch thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ. Cuộc diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp. Qua đó, nâng cao ý thức, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên công ty trong công tác phòng cháy, cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, giúp cho lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ thuần thục hơn các thao tác, kịp thời xử lý hiệu quả các sự cố khi mới phát sinh đạt hiệu quả cao nhất.
CÔNG LÝ


Tin cùng chuyên mục