Đại học Sài Gòn: Ưu tiên xây trường tiểu học và mầm non thực hành cho sinh viên

Chiều 15-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của TP đã đến thăm, nói chuyện với sinh viên, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu mô hình thực hành ở Khoa điện tử - Viễn thông
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu mô hình thực hành ở Khoa điện tử - Viễn thông

Nhiều sinh viên bày tỏ ý kiến với Bí thư Thành ủy về định hướng thế nào trước những thông tin xấu trên mạng xã hội; băn khoăn trước áp lực và tiền lương của giáo viên mầm non; kiến nghị có trường mầm non và trường tiểu học thực hành cho sinh viên; xây dựng thành phố thông minh và nguồn nhân lực như thế nào hay giao lưu với sinh viên quốc tế… 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trước hết mạng xã hội, internet là một trường học khổng lồ để nắm bắt, khai thác thông tin. Nhưng chúng ta phải biết đọc trên mạng để làm gì, phục vụ mục đích gì và phải có sự lựa chọn thông tin. Nếu có những thông tin chưa rõ ràng, nhất là những thông tin xấu, chúng ta phải giải đáp, trao đổi để hiểu rõ vấn đề. Với 600.000 trẻ mầm non, nhiều nhất trong số học sinh các bậc học, TP có trách nhiệm đáp ứng chỗ học cho các cháu. Tại Đông Nam Á, chỉ Việt Nam có chương trình phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. TP hiện nay hỗ trợ 70% thu nhập, ngoài ra hỗ trợ tháng lương đầu tiên. Do đó, các em chọn học ngành giáo dục mầm non chắc chắn sẽ không lo việc làm mà chỉ lo học tốt, ra trường làm việc, thu nhập sẽ không thấp…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 5 năm TP thêm 1 triệu dân. TP còn tình trạng kẹt xe, ngập nước, giao thông không đáp ứng được mức tăng dân số. Muốn quản lý tốt phải có dự báo tốt, trong đó có vấn đề ngập nước, kẹt xe... Do đó, chúng ta phải quản lý TP trên cơ sở mô phỏng, dự báo. TP thông minh phải có trung tâm dự báo, mô phỏng để chủ động, không bất ngờ. Để làm việc này phải có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ vì họ có nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, phải có cơ sở dữ liệu chung cho tất cả người dân, doanh nghiệp chia sẻ. Đô thị thông minh phải cần cư dân thông minh, có hệ chương trình giáo dục thông minh… Khi có dữ liệu chung có giao thông, y tế, giáo dục, an ninh, quản trị môi trường thông minh thì mỗi người dân là 1 “cảm biến” xã hội… 

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt và ghi nhận những kiến nghị của trường, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Từ khi thành lập đến nay, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, dường như có gì dùng nấy. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng sinh viên, trình độ giảng viên từ tiến sĩ trở lên là một nỗ lực đáng biểu dương của tập thể nhà trường. Về vấn đề xây dựng trường tiểu học và trường mầm non thực hành cho sinh viên, chắc chắn phải ưu tiên hàng đầu. Các sở ban ngành phải tập trung hỗ trợ trường, đồng thời trường phải có đề án trình TP tiến hành ngay. Khi xây dựng đề án phải chuẩn bị thật kỹ. Nếu không được 2 dự án thì năm tới phải thực hiện ngay 1 dự án. Trường phải phấn đấu có giảng viên đạt chuẩn giáo sư. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: Vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trường phải thành lập hội đồng thẩm định các danh mục. Hội đồng nên mời các chuyên gia bên ngoài để góp ý, đánh giá. Sở GD-ĐT phải kết hợp trường tạo điều kiện cho các giảng viên ngành sư phạm tham gia các chương trình tập huấn, học hỏi kinh nghiệm. Trường phải cùng sở thẩm định, đánh giá các chương trình mới. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp trường lựa chọn vị trí đất để phát triển, mở rộng trường sau đó lập đề án trình TP xét duyệt.

Tin cùng chuyên mục