Dai dẳng vấn nạn sách lậu

Câu chuyện về sách giả, sách lậu là vấn đề không mới, song tại thời điểm này, đây vẫn là một trong những vấn nạn chưa tìm được thuốc chữa. Nó không chỉ gây ảnh hưởng tới kinh tế mà nguy hại với văn hóa, xã hội. 

Về tâm lý, nhiều người vẫn quan niệm rằng, sách lậu, sách giả chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với các nhà làm sách chân chính và tác giả của cuốn sách, chứ không gây tổn hại đến độc giả, nếu không muốn nói là độc giả có lợi vì mua được sách rẻ. Vì thế, họ vẫn tiếp tục chấp nhận mua sách lậu. Song thực tế, sự nguy hiểm của ấn phẩm lậu là rất rõ ràng. Nó triệt tiêu sự sáng tạo, làm sai lệch thông tin nên tác động xấu đến xã hội. Một hệ lụy lớn hơn của sách giả là sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Sách giả dù có làm giống sách thật thì chất lượng cũng chỉ đạt được 80% (hình thức như giấy in xấu hơn, đen hơn, bìa sách “dại” hơn, nội dung không chỉn chu, nhiều lỗi chính tả, cú pháp...). Người quen đọc sách giả cũng quen dần với những yếu tố kém chất lượng ấy, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân. Bên cạnh đó, xuất hiện tâm lý ham rẻ mà coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và làm ra sách. Chưa kể, những lỗi sai về nội dung, chính tả sẽ làm sai lệch về nhận thức.

Một quốc gia phát triển là nơi bản quyền tác giả được tôn trọng ở mức cao nhất. Người mua sách vẫn chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các NXB, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Berne và WTO. Uy tín không có đồng nghĩa với việc các NXB sẽ khốn đốn khi muốn thương thảo bản quyền với nước ngoài, dần dần những cuốn sách best-seller trên thế giới ngày càng khó đến được tay độc giả Việt Nam.

Hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính. Theo đó, hành vi in lậu bị phạt 30 - 40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên là 20 - 30 triệu đồng. Trong khi đó, làm sách giả, sách lậu thu lợi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; nhà sách bị làm lậu sách nhưng lại thua kiện trước kẻ in lậu sách, lại có đơn vị tự làm lậu sách của chính mình… 

Phải nhìn thẳng vào bản chất sách lậu, đó chính là hàng giả vì không có giấy phép in, không có nguồn gốc xuất xứ, không trả tác quyền, chất lượng kém và cũng độc hại cho người tiêu dùng. Chúng ta cần xây dựng một quy định đặc thù đối với sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc, mỗi khách hàng hãy tự cứu lấy sách bằng chính hành động nói không với sách giả, sách lậu. Chỉ khi ấy, cuộc chiến với sách giả, sách lậu mới có thể khép lại.

Tin cùng chuyên mục