Đại biểu Quốc hội được tiếp cận bí mật nhà nước ở cấp độ nào?

Cuối chiều 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 36, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự. Trước đó, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.  

(SGGP).- Cuối chiều 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 36, sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự. Trước đó, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.  

Góp ý về dự thảo Luật, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền lưu ý, các quy định về việc giám sát hoạt động của chính HĐND (vốn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBTVQH) còn hơi đơn giản, chỉ có 2 khoản, “không đảm bảo thực hiện được một cách hiệu quả”, cần phải được bổ sung, hoàn thiện. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi bày tỏ quan ngại về quy định mà ông cho là hơi thiếu thận trọng, liên quan đến quyền được cung cấp tài liệu của chủ thể giám sát. Ông Đào Trọng Thi nói: “Nếu cứ nói các chủ thể giám sát, đặc biệt là lại bao gồm cả cá nhân đại biểu QH (ĐBQH) phải được cung cấp tất cả tài liệu bí mật của nhà nước thì rất nguy hiểm. Cần phải đối chiếu với luật về bảo vệ bí mật quốc gia để nêu cụ thể trong luật này đối tượng nào được tiếp cận tài liệu bí mật loại gì, ở cấp độ nào”. Tương tự, hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát cũng cần được quy định rõ hơn, bởi nếu tất cả nghị quyết, kiến nghị đều có giá trị thi hành thì có thể xảy ra trường hợp cá nhân ĐBQH có quyền “ra lệnh” cho các cơ quan nhà nước…

Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, nên quy định theo hướng chỉ có nghị quyết giám sát của QH và UBTVQH có giá trị thi hành ngay; nhưng bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan chịu sự giám sát không chấp nhận kết quả, kết luận giám sát.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chia sẻ quan điểm: “Không phải chỉ có ngành công an và quốc phòng mới có tài liệu cần bảo mật nghiêm ngặt. Cho nên điều 7 phải quy định thế nào đó để đoàn giám sát quản lý, sử dụng thông tin theo quy định của pháp luật”.

Ưu tiên những dự án luật để triển khai thi hành Hiến pháp và có thể làm gọn, dứt điểm trong nhiệm kỳ này chứ không “vắt” sang nhiệm kỳ sau - đó là chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, năm 2015 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Qua thảo luận, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (tháng 10-2016). Các ý kiến tại phiên họp nhận định đây là dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, UBTVQH đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 của QH khóa 13; đồng thời đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Biểu tình, Luật về Hội trình Quốc hội theo tiến độ.  

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 16-3, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản tán thành chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ làm việc trong 29 ngày, trong đó có 3 ngày thứ bảy. Kỳ họp chính thức khai mạc vào thứ tư, ngày 20-5 và bế mạc vào thứ tư, ngày 24-6. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, một số dự án luật quan trọng như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được bố trí mỗi dự án một buổi thảo luận ở tổ và một ngày thảo luận ở hội trường. Dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp lần này đã bố trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 

 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục