Đại án Ngân hàng Đông Á: Trần Phương Bình lãnh án chung thân, Vũ “nhôm” 17 năm tù

Ngày 20-12, sau gần một tháng xét xử, vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", " Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB) - còn gọi là "Đại án" Ngân hàng Đông Á - đã kết thúc.
Trần Phương Bình và Vũ "nhôm"
Trần Phương Bình và Vũ "nhôm"

Lời khai nhận của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa phù hợp lời khai các nhân chứng, lời khai của người có quyền và nghĩa vụ liên quan, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện: Bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) đã thực hiện các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các Tổ chức tín dụng và Điều lệ DAB trong quá trình chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ, tín dụng, đầu tư,… tại DAB, cùng các nhân viên trong DAB và những người liên quan thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho DAB. 

Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phần DAB, bị cáo Trần Phương Bình chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB) và các nhân viên cấp dưới thực hiện nhiều hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, bị cáo Bình chỉ đạo bị cáo Xuyến và các bị cáo khác xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần. Bằng hành vi này, bị cáo Xuyến đã tiếp tay cho bị cáo Bình chiếm đoạt của DAB hơn 1.160 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (thường được gọi là Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB hơn 203 tỷ đồng. Vào năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, bị cáo Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB. Do quen biết nhau từ trước, bị cáo Bình và Vũ bàn bạc, thống nhất: Vũ mua 60.000.000 cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB; đối với 200 tỷ đồng còn lại được bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ đồng vào DAB để Vũ có tiền tham gia mua cổ phần của DAB. Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, bị cáo Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng cho Công ty Bắc Nam 79.

Như vậy, Vũ chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này. Tại phiên tòa, Vũ khai nghĩ rằng 200 tỷ đồng nói trên là tiền do bị cáo Bình cho bị cáo vay mượn cá nhân chứ không biết là tiền của DAB, và cam kết sẽ trả lại số tiền này.

Lạm dụng chức vụ quyền hạn tương tự, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ của DAB 294,6 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD (trong đó, bị cáo Bình mua hộ Vũ "nhôm" 13,4 triệu USD trị giá gần 284 tỷ đồng và chuyển cho một cá nhân khác 500.000 USD trị giá 10,7 tỷ đồng); chỉ đạo cấp dưới lập nhiều chứng từ thu khống tổng cộng 213,7 tỷ đồng để trả tiền gốc và tiền lãi cho các khoản vay của 4 khách hàng. Thực tế, các khoản vay này đã được rút hết tiền để Trần Phương Bình sử dụng cá nhân. Những người đứng tên vay tiền cho biết chỉ ký hồ sơ vay, không nhận tiền hoặc vàng, không biết Trần Phương Bình sử dụng tiền, vàng vào việc gì...

Đối với bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TPHCM), quá trình điều tra và lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy năm 2008 bị cáo Ánh ký hợp đồng tín dụng vay ngắn hạn 2.000 lượng vàng SJC của DAB. Đến thời hạn tất toán, bị cáo Ánh và DAB làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ, chuyển thành hợp đồng tín dụng khác với nội dung bị cáo Ánh vay của DAB 1.900 lượng vàng SJC. Thực tế, bị cáo Ánh chỉ nộp 32,5 tỷ đồng là tiền tiết kiệm của Ánh đã gửi tại DAB (quy đổi 700 lượng vàng), phần chênh lệch còn lại (1.200 lượng), bị cáo Bình chỉ đạo cấp dưới cho tất toán khống. Số tiền 32,5 tỷ đồng của bị cáo Ánh được bị cáo Bình yêu cầu không nhập quỹ DAB mà để cho bị cáo Bình sử dụng cá nhân.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, trong vụ án này bị cáo Bình là người chủ mưu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện nhiều hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng; vì vậy bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất đối với các hành vi này. Bị cáo Xuyến giúp sức cho bị cáo Bình thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Vũ "nhôm" đồng phạm với bị cáo Bình chiếm đoạt hơn 203 tỷ đồng của DAB.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án tù chung thân; Nguyễn Thị Kim Xuyến 30 năm tù cùng về hai tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", " Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", bị cáo Phan Văn Anh Vũ lãnh 17 năm tù, tổng hợp với bản án 8  năm tù bị cáo bị tuyên trước đó về tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" thành 25 năm tù. 23 bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù; trong đó bị cáo Nguyễn Hồng Ánh lãnh 10 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh hành vi có dấu hiệu phạm tội của một số cá nhân như bà Võ Thị Kim Anh (nguyên Trưởng phòng kế toán DAB), ông Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh Gia Định)...; làm rõ trách nhiệm một số cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, Công ty Kiểm toán TNHH Ernst and Young VN dù đã nhiều lần kiểm toán, kiểm quỹ nhưng nhưng vẫn không phát hiện sai phạm xảy ra tại DAB. Căn cứ lời khai và diễn biến tại phiên tòa, hội đồng xét xử kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan đến số tiền 13,4 triệu USD mà Phan Văn Anh Vũ nhận từ DAB vì có dấu hiệu của một loại tội phạm khác.

Tin cùng chuyên mục