Đà Nẵng: Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Nhiều ngày qua, trên địa bàn một số quận, huyện của TP Đà Nẵng xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết. Điều đáng lo ngại là dịch sốt xuất huyết xuất hiện trái mùa, trong khi công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa được quan tâm đúng mức khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. 

Tại khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), điểm trũng giáp ranh của bãi rác Khánh Sơn và Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Chị Nguyễn Thị Thúy Nhung (32 tuổi, trú tại tổ 42, hẻm 75, kiệt 202, đường Hoàng Văn Thái) cho biết, tại nơi gia đình chị sinh sống có nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có mẹ con chị. Theo chị Nhung, mặc dù tại đây có nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết và người dân đã báo lên phường nhưng không có cán bộ xuống phun thuốc tiêu độc khử trùng nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. 

Trong khi đó, tại xã Hòa Sơn, nơi giáp ranh với khối phố Đà Sơn cũng có nhiều người bị sốt xuất huyết. Bà Lê Thị Thanh Lựu (56 tuổi, trú tại tổ 1 thôn Phú Thượng xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cho biết, thôn bà ở có nhiều người bị sốt xuất huyết nhưng chính quyền vẫn chưa động tĩnh gì. 

Ngoài quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, tại các quận, huyện khác của TP Đà Nẵng cũng xuất hiện nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết. Tính đến 30-6, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 2.949 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018, chưa có trường hợp tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp chống bệnh sốt xuất huyết nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, không để bệnh sốt xuất huyết lây lan bùng phát thành dịch, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong...

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh sốt xuất huyết Dengue, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, chuyển tuyến kịp thời, điều trị đúng phác đồ, hạn chế trường hợp biến chứng nặng gây tử vong; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Bên cạnh đó, Sở Y tế và các địa phương đảm bảo nhu cầu thuốc, vật tư, hóa chất triển khai các hoạt động phòng chống dịch, khoanh vùng và xử lý các vùng nguy cơ cao. 

Tin cùng chuyên mục