Đà Nẵng lên kế hoạch giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện

Ngày 31-10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch giảm quá tải bệnh viện tại thành phố đến năm 2025. 
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Theo đó, Kế hoạch giảm quá tải bệnh viện tại thành phố đến năm 2025 với mục tiêu cụ thể đề ra là giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện hạng 1 (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu); phấn đấu đến năm 2020 công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đạt 99%, và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 95%.

Đi đôi với đó là nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đồng thời, giảm số lượng bệnh nhân khám cho mỗi bác sĩ, cán bộ y tế, cụ thể là phấn đấu đến năm 2025 mỗi bác sĩ chỉ khám từ 25-30 người bệnh/một ngày làm việc.

Không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, đảm bảo không xảy ra quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú, phấn đấu đến năm 2020 đạt 89,21 giường bệnh/vạn dân và đến năm 2025 đạt 101,48 giường bệnh/vạn dân.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật. Từng bước thực hiện để đến năm 2025 có thể liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố Đà Nẵng với các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc; tăng số lượng kỹ thuật y tế chuyên sâu được thực hiện thành công tại các bệnh viện của toàn ngành. Từng bước triển khai mô hình bác sỹ gia đình tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang và đến năm 2025 sẽ triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Để triển khai thực hiện, Kế hoạch cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, về cơ sở vật chất, thành phố sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện, trước mắt ưu tiên đối với các chuyên khoa về tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc và các trung tâm y tế quận, huyện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao.

Đồng thời, từ nay đến năm 2025, tập trung đầu tư hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng đã có chủ trương đầu tư của UBND thành phố, bao gồm: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng, nâng cấp và mở rộng Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chi cục Dân số KHHGĐ; và nâng cấp Trung tâm Y tế các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ và Thanh Khê.

Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên được lấy từ nguồn ngân sách thành phố, nguồn tự chủ của các bệnh viện, xã hội hóa, liên doanh liên kết, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND thành phố vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án cải tạo, nâng cấp Trạm y tế các phường Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông, Hòa An, Hòa Xuân và Khuê Trung thuộc quận Cẩm Lệ với tổng mức đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Các hạng mục được triển khai chủ yếu bao gồm cải tạo các khối nhà hiện trạng, sân nền, tường rào xung quanh, xây dựng hệ thống xử lý nước thải…

5 dự án nêu trên do Sở Y tế thành phố là chủ đầu tư, được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020 nhằm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và kiên cố hóa công trình, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn được xuyên suốt, cả trong mùa mưa bão.

Tin cùng chuyên mục