Cứu thành công ca đột quỵ ngưng tim, ngưng thở

Ngày 15-7, BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế tim mạch đột quỵ Cần Thơ (Bệnh viện quốc tế SIS Cần Thơ), cho biết đã cứu sống một trường hợp đột quỵ ngưng tim, ngưng thở hy hữu.

 Bệnh nhân là bà Đ.T.Đ. (nữ 73 tuổi, ngụ Cái Răng, Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, hôn mê sâu, huyết áp tụt, không bắt được mạch, ngưng tim và ngưng thở, tiên lượng tử vong.

Ngay khi nhập Bệnh viện quốc tế SIS, đội ngũ y bác sĩ đã nhanh chóng khởi động quy trình Code Blue - quy trình cấp cứu ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống thở hỗ trợ hô hấp, tiêm thuốc hồi sinh. Sau khoảng 5 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, mạch vẫn rất yếu, huyết áp không đo được, có nguy cơ tử vong. Bệnh nhân được nhanh chóng siêu âm tim cấp cứu và kết quả cho thấy có tràn dịch màng ngoài tim cấp, tim bị chèn ép, co bóp yếu. Trước khả năng bệnh nhân tử vong cao, ê kíp bác sĩ cấp cứu đã tiến hành chọc dịch màng ngoài tim để giải áp cho tim và rút ra tổng lượng dịch trong khoang màng ngoài tim gần 700ml. Sau khi rút dịch ra, bệnh nhân có huyết áp trở lại, mạch đập rõ hơn, các dấu hiệu sinh tồn được cải thiện. 

Trái tim bình thường (bên trái) và tim bị tràn dịch màng ngoài tim (bên phải)
Sau 24 giờ điều trị tích cực, hiện bệnh nhân D. đã mở được mắt, da hồng trở lại, cử động được tay chân, nhận biết được.
Cứu thành công ca đột quỵ ngưng tim, ngưng thở ảnh 2 Sau điều trị 24 giờ, bệnh nhân D. đã có thể giao tiếp 
Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường, người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân D., tràn dịch màng ngoài tim cấp là bệnh hiếm gặp, tần suất chiếm khoảng 0,1% tổng số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do dấu hiệu đau ngực. Trong trường hợp bệnh lý như tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp, các buồng tim không giãn nở được làm cho máu không đi về tim được và tim bóp không hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời… Biểu hiện của bệnh thường đau ngực vùng sau xương ức, đau nhiều khi hít thở sâu, giảm đau khi nằm hoặc ngồi cúi về phía trước. Nếu lượng dịch màng ngoài tim nhiều sẽ dẫn đến khó thở, tụt huyết áp, đột quỵ.

Theo các chuyên gia tim mạch, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như tê yếu tay chân, nói khó, miệng méo, hay đau đầu dữ dội kéo dài, đau ngực khó thở, hồi hộp, ngất xỉu… nên đến bệnh viện đột quỵ tim mạch khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục