Cựu Ngoại trưởng John Kerry: Sử dụng nhiên liệu hóa thạch “đang đặt sinh mạng chúng ta trong rủi ro”

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện, thay vì điện than như hiện nay. 

Sáng 11-1, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sự kiện bắt đầu bằng 2 hội thảo chuyên đề diễn ra song song là “Năng lượng xanh và phát triển kinh tế bền vững” và “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo như năng lượng: gió, mặt trời, năng lượng sinh học… là một nhu cầu tất yếu. Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính -tín dụng… hướng tới việc phát triển nền kinh tế các bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc hội thảo 

Chia sẻ vấn đề này, theo ông John Kerry, sử dụng nhiên liệu hóa thách như: than đá, dầu mỏ… trong 20 năm tiếp theo đang đặt sinh mạng chúng ta trong rủi ro.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến nhiều người dân đã phải rời quê nhà khi họ không đủ lương thực, không đảm bảo cuộc sống.

Từng đi với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry cho biết, ông đã đến Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và được các nhà khoa học cho biết các tảng băng lớn, sâu 2-3km đang tan ra đại dương và hiện tượng này đang gia tăng.

Những cơn bão lớn, hiện tượng tự nhiên bất thường đã xuất hiện 5 năm 1 lần và thường xuyên hơn.

Những điều đó bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có lựa chọn thông minh sử dụng năng lượng hiệu quả nhất.

Than đá đang đóng góp lớn nhất cho rác thải hiệu ứng nhà kính, năng lượng “bẩn nhất”.

Hà Nội từng có hơn 190 ngày chất lượng không khí dưới chuẩn, nguy hiểm; có đến 23.000 người mắc bệnh hô hấp, ung thư, bệnh khác do không khí kém.

Trước thực tế biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính đang diễn ra, ông John Kerry cho biết, các định chế tài chính đang ngày càng không đầu tư cho việc sản xuất điện từ than đá.

“Giải pháp chống biến đổi khí hậu là sử dụng năng lượng thông minh bằng việc đưa ra các quyết định phù hợp đắn trong đầu tư cho tương lai. Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế, dịch chuyển thông minh điện lưới để cung cấp đủ năng lượng cho phát triển và đó là vị thế tuyệt vời để đưa ra lựa chọn thông minh hơn. Bởi lẽ, các cam kết về nguồn lực cho đầu tư, sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng”, ông John Kerry nói.

Cũng theo ông John Kerry, Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện. Việt Nam cũng cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể.

"Tôi có niềm tin vững chắc, mạnh mẽ than đá không rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác so với điện than nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn. Việt Nam cũng đang có cơ hội thay đổi một cách căn cơ, hiệu quả hơn và sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách, đồng thời người dân có cuộc sống chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc việc làm trong lĩnh vực này hơn".
Cựu Ngoại trưởng John Kerry: Sử dụng nhiên liệu hóa thạch “đang đặt sinh mạng chúng ta trong rủi ro” ảnh 2 Cựu Ngoại trưởng John Kerry chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo
Đề cập việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông John Kerry nhấn mạnh, nhiều thống đốc bang đã đưa ra các tuyên bố khác hẳn với Tổng thống Hoa Kỳ, cam kết ở cấp độ địa phương, họ khẳng định không rút khỏi các cam kết của Hiệp định Paris và còn làm tất cả một cách có trách nhiệm với mọi người dân thế giới.

Nhiệt độ bình quân trên thế giới đang tăng 1,5 độ C do băng tan chảy, bão, hiểm họa tự nhiên… Và nếu tăng thêm 2 độ C thì chuyện gì xảy ra? Còn nếu tăng thêm 4 độ C thì đó sẽ là thảm họa cho hành tinh chúng ta.

Điều này cấp thiết đòi hỏi nghiên cứu, tạo ra công nghệ để giúp chúng ta. Năm 2017 là lần đầu tiên, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo, nghiên cứu phát triển gia tăng cao hơn nhiều so với hóa thạch. Điều này đã dẫn đến giảm 75% chi phí cho việc sử dụng năng lượng mặt trời, giảm 45% chi phí công nghệ gió và “đường cong công nghệ đã đi nhanh hơn”.

Ông John Kerry cũng nhấn mạnh, chìa khóa cho vấn đề phát triển năng lượng tái tạo là cách huy động đầu tư, cơ chế tài chính… đòi hỏi giải pháp cụ thể, thông minh.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than và điều này chưa phù hợp với quan điểm của ông John Kerry. Thế nhưng, với tư duy cởi mở, Việt Nam cũng có thể điều chỉnh cần thiết với xu thế phát triển công nghệ tái tạo, khoa học phát triển năng lượng để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, điều này cũng phải gắn với nhu cầu về điện hàng năm để phát triển kinh tế xã hội (tăng trưởng nhu cầu điện 10%/năm) và sự chấp nhận của người dân.

Tin cùng chuyên mục