Cựu chiến binh 2 giàu

Người dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai gọi ông Ngô Công Đoan (54 tuổi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) với cái tên trìu mến là cựu chiến binh 2 giàu, vì ông vừa biết làm kinh tế giỏi, vừa giàu lòng nhân ái.
Cựu chiến binh Ngô Công Đoan bên vườn cây cảnh của gia đình
Cựu chiến binh Ngô Công Đoan bên vườn cây cảnh của gia đình
Tỷ phú vùng biên
Đến nhà ông Ngô Công Đoan, thấy ông cùng những người làm thuê chạy xe từ rẫy về nhà, trên xe chở những bao sầu riêng, mùi thơm nồng. Đây là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp gia đình người cựu chiến binh “hốt bạc” trong thời gian qua. Theo ông Đoan, trang trại của gia đình ông có diện tích 50ha. Trong đó, 20ha hồ tiêu đang cho thu hoạch và 30ha trồng đinh lăng cùng các cây ăn quả như sầu riêng, bơ, bưởi. Thu nhập từ trang trại khoảng 10 tỷ đồng/năm. 
Cơ ngơi ông xây dựng được đều bắt đầu từ bàn tay trắng. “Hồi năm 1987, sau khi ra quân, tôi một thân một mình từ Thái Bình vào Đức Cơ lập nghiệp. Lúc đi trong tay chẳng có gì ngoài sức trẻ”, ông Đoan nói. Dù lường trước những khó khăn nhưng khi đặt chân đến vùng đất mới, ông không khỏi ngỡ ngàng bởi xung quanh toàn núi rừng, giao thông chia cắt, điện đường không có, đặt biệt là nạn sốt rét hoành hành. Khó nhưng không thể buông xuôi, ông bắt tay vào việc khai hoang 4ha đất rồi tỉa bắp, đậu và lúa. Do đất đỏ Tây Nguyên màu mỡ nên lúa trồng cho năng suất cao. Tuy nhiên, ông Đoan cũng ý thức được, cây lúa chỉ giúp đủ ăn chứ không thể làm giàu, ông quyết chí đi tìm loại cây trồng mới.
“Năm 1990, tôi thấy nhiều nơi trồng hồ tiêu, cà phê cho hiệu quả cao, nên cơm đùm gạo bới đến tìm hiểu. Khi nắm vững kỹ thuật trồng, tôi về mua thêm đất rồi bắt tay chuyển đổi trồng cà phê, tiêu. Kết quả trúng đậm. Dần dà, thấy cao su hiệu quả, tôi chuyển đổi và tiếp tục trúng. Năm năm qua, tôi chuyển diện tích cà phê và cao su già cỗi sang trồng cây ăn quả cũng hốt bạc”, ông Đoan nói.
Với trang trại rộng hơn 50ha như bây giờ, ông Đoan tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.   
Tích cực làm việc thiện
Ngoài tài năng làm kinh tế, ông Đoan còn được biết đến là người nhiệt tình làm việc thiện. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết, chỉ riêng tại xã, nhiều năm trước, ông Đoan có nhận phụng dưỡng một người thuộc diện chính sách không nơi nương tựa. Từ cuối năm 2015 đến nay, khi người này qua đời, ông chuyển qua cấp dưỡng cho cháu Ksor Phước bị nhiễm chất độc da cam với số tiền cấp dưỡng hàng tháng là 500.000 đồng.
Ngoài ra, ông còn bỏ tiền xây 14 căn nhà tình nghĩa với giá trị từ 30-50 triệu đồng/căn; bỏ hơn 100 triệu đồng xây dựng công trình nước tự chảy, mỗi năm đều đặn cung cấp gạo, mắm muối, dầu ăn, bột ngọt cho 24 hộ dân đồng bào bị bệnh phong. Ông còn tích cực tham gia ủng hộ các xã biên giới, tặng quà tết cho người nghèo, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học…
Nói về việc làm từ thiện của mình, ông Đoan tâm sự: “Tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bản thân tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội của mình là còn khỏe mạnh để làm kinh tế. Vì thế, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với xã hội. Những điều gì có thể giúp được cho cộng đồng là tôi làm, tôi sẽ tiếp tục làm công tác xã hội”.

Tin cùng chuyên mục