Cưỡng chế thu hồi phí bảo trì chung cư để giải quyết tranh chấp

Ngày 24-4, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 18 nghe giải trình và thẩm tra một số dự án luật và việc thành lập một số thị trấn, phường thuộc tỉnh Đồng Nai.

Báo cáo tại phiên giải trình về “Việc thực hiện pháp luật về quản lý phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ”, Bộ Xây dựng cho biết, tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31-3, có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại (chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TPHCM) với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành. Các nội dung tranh chấp, khiếu nại chủ yếu liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung gồm: chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị; các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị; chủ đầu tư không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì…

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu yêu cầu lãnh đạo Bộ Xây dựng giải trình về việc chủ đầu tư thu ngay 1 lần của người dân tiền bảo trì trong 20 năm đầu đã hợp lý chưa và có tạo ra gánh nặng cho người dân khi mua nhà hay không, trong khi chủ đầu tư vốn đã có trách nhiệm bảo hành trong 5 năm đầu. Đáng lưu ý, có ý kiến đại biểu phản ánh, thời gian qua vấn đề tranh chấp chung cư diễn biến phức tạp, kéo dài, gay gắt liên quan đến việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, tiềm ẩn nhiều điểm nóng về vấn đề an ninh trật tự, nhất là ở những nơi có quỹ bảo trì lớn…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, việc chủ đầu tư thu ngay tiền bảo trì 1 lần cho 20 năm đầu là hợp lý, song phải kiểm soát chặt chẽ để phòng chống lạm dụng, tiêu cực. Ông Phạm Hồng Hà cho rằng, trong thời gian tới, cần kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, thực tế có việc chủ đầu tư giữ lại quỹ bảo trì để sử dụng cho mình, không bàn giao cho ban quản trị, do đó phải cưỡng chế chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành thì còn một số vướng mắc. “Chủ đầu tư không lập tài khoản riêng, thì cưỡng chế ở tài khoản nào? Cưỡng chế xong chuyển tới tài khoản nào”, ông Hùng nêu vấn đề và đề nghị nhanh chóng sửa đổi các quy định hiện hành về cưỡng chế.

Tin cùng chuyên mục