Cuộc đua của ô tô nội và ngoại

Bước qua tháng thứ 3 liên tiếp, nhiều hãng xe ở Việt Nam triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại tặng quà, hoặc giảm tiền mặt dành cho khách hàng khi mua ô tô. Đây được xem là giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng, trong bối cảnh ô tô ngoại đang ồ ạt tràn vào thị trường.

Đua nhau giảm giá

Diễn biến thị trường ô tô trong những tháng gần đây trái ngược với trước Tết Nguyên đán, không còn cảnh khách hàng chực chờ hoặc móc hầu bao thêm hàng trăm triệu đồng để được nhận xe ngay.

Ghi nhận ở một số cửa hàng ô tô trên địa bàn TPHCM trong những ngày đầu tháng 5 khá ảm đạm, khách hàng đến tìm hiểu mua chỉ lác đác. Đơn cử, tại Thaco Chi nhánh Gò Vấp trên đường Nguyễn Oanh, gồm 2 cửa hàng Kia và Mazda khá hoành tráng, đạt chuẩn 3S (bán hàng - dịch vụ - phụ tùng), trước tết khá tấp nập khách hàng vào ra, nhưng nay chỉ thấy… toàn nhân viên tụ tập thành nhóm nói chuyện rôm rả.

Cuộc đua của ô tô nội và ngoại ảnh 1 Ô tô nhập khẩu tại cảng SPCT. Ảnh: THÀNH TRÍ
“Thời gian này, cửa hàng tụi em chủ yếu đón khách hàng tới bảo hành, làm dịch vụ cho ô tô. Khách  mua xe cũng có, nhưng không như mùa cao điểm trước tết. Tình trạng này thường kéo dài qua hết tháng 7 âm lịch”, một nhân viên kinh doanh tại đây vui vẻ nói. Có lẽ do tình trạng thưa vắng khách hàng, đồng thời để kích cầu nên Thaco đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng loạt dòng xe, kể cả những dòng một thời “làm mưa làm gió” chỉ tăng, không giảm như chiếc Mazda CX-5. 

Hãng Toyota với doanh số nằm tốp đầu cũng rơi vào cảnh tương tự, giá xe tại đại lý hiện đang thấp hơn giá niêm yết; các dòng xe đều giảm 20 - 40 triệu đồng/chiếc, hoặc tặng quà trị giá 10 - 15 triệu đồng.

Các hãng Mitsubishi, Nissan, Ford và cả thương hiệu hạng sang là Mercedes-Benz… cũng đang đồng loạt triển khai chương trình khuyến mại cho khách hàng, giảm 10 - 50 triệu đồng/chiếc, tùy hãng và dòng xe. 

Sức ép cạnh tranh

Theo nhận định của giới kinh doanh ô tô, nguồn cung xe nhập khẩu tăng trưởng trở lại và mặt bằng chung của các dòng xe lắp ráp tương đương nhau, đưa đến cuộc chạy đua doanh số đánh vào giá bán, quà tặng lẫn dịch vụ trở nên sôi động.

Đáng chú ý, hiện tượng giá ô tô nhập khẩu giảm trong giai đoạn đầu năm nay được cho là xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp tập trung đưa về Việt Nam các dòng xe có giá trị thấp, xe cỡ nhỏ và xe phổ thông. Các loại ô tô hạng sang có giá trị cao chỉ được nhập khẩu với số lượng nhỏ. 

Trái ngược với tình trạng thiếu hụt xe nhập khẩu trong suốt năm 2018, sao khi “nút thắt” từ Nghị định 116 được tháo gỡ, nguồn xe nhập khẩu đã trở nên dồi dào hơn khi các lô xe liên tục cập cảng.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, xe nhập khẩu tăng tới 778% về lượng và 637% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 đã đạt  52.000 chiếc, trị giá 1,139 tỷ USD. 

Do lượng xe dồi dào nên giá tiếp tục có xu hướng giảm. Chính xe nhập khẩu đang đặt sức ép không nhỏ lên các dòng xe lắp ráp trong nước, buộc các hãng phải tiếp tục “tung chiêu” để cạnh tranh.

Dù vậy, với mặt bằng chung của thị trường ô tô giá vẫn ở mức cao như hiện nay, việc sở hữu “xế hộp” với tầng lớp chiếm số đông của người dân vẫn còn rất xa vời, đặc biệt mức giảm giá chưa tương xứng với lợi nhuận mà các hãng ô tô đang bỏ túi.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các hãng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá. Đầu tiên, thời điểm này, sức mua ô tô ở trong giai đoạn thấp điểm. Một số mẫu xe giảm giá sốc là do chuẩn bị ra mắt phiên bản mới, muốn xả hàng tồn, nên chủ yếu là giảm giá ở các phiên bản thấp, cũ. Chưa kể, áp lực xe nhập khẩu ngày càng tăng, khiến các hãng phải cạnh tranh giành thị phần”, ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long (quận Bình Tân), giải thích.

Tin cùng chuyên mục