Cuộc dấn thân mạo hiểm

Điện ảnh Việt trong vài năm trở lại đây chứng kiến những lần chạm ngõ đầy thú vị của các nhà làm phim trẻ. Họ không chỉ có đam mê mà còn dám mạo hiểm và thử thách chính mình, dù để chạm đến thành công cần nhiều yếu tố hơn thế. 

Liều để khác biệt

Ngày 3-8 tới, Trường học bá vương - dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn Duy Joseph sẽ chính thức trình làng. Dù nằm trong xu hướng đề tài thanh xuân - vườn trường đang bùng nổ của điện ảnh Việt, nhưng kể từ khi công bố dự án này đã thấy sự khác biệt từ tạo hình và xây dựng tính cách nhân vật, phá vỡ mọi mặc định về phim học đường ở Việt Nam. Duy Joseph thừa nhận, đây là lựa chọn rất mạo hiểm với một tác phẩm đầu tay. Nhưng với việc chấp nhận đi ngược dòng một đề tài đã quen thuộc là điều đáng để khích lệ.  

Cuộc dấn thân mạo hiểm ảnh 1 Trường học bá vương - phim Việt khác biệt về đề tài học đường

Tính từ đầu năm 2018, số lượng những dự án do các nhà làm phim trẻ thực hiện, mang màu sắc mới lạ không ít. Trước đó không lâu, đạo diễn 9X Nguyễn Hữu Hoàng cũng trình làng Ống kính sát nhân - bộ phim thuộc thể loại tâm lý, tội phạm pha màu sắc kinh dị. Thể loại phim này dù không mới ở Hollywood nhưng vẫn là mảng đề tài khó nhằn. 

Một dự án khác cũng rất đáng chú ý là Nhắm mắt thấy mùa hè - tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi. Bộ phim với 90% bối cảnh quay tại Nhật Bản, được chính Nhi khẳng định: “Là giấc mơ tuổi trẻ của chúng tôi. Và có lẽ trong đời chúng tôi chỉ có thể làm một lần mà thôi”. Cô và ê kíp đã dốc toàn bộ sức lực, tâm trí và cả tiền bạc để tạo nên một mảnh ghép độc đáo cho điện ảnh Việt.  

Nếu nhìn vào bức tranh điện ảnh Việt trong 7 tháng qua, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến 2 cái tên Robie Trường và Vũ Ngọc Phượng. Nếu Vũ Ngọc Phượng từng ghi dấu ấn đậm nét với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (2015) và tiếp tục khẳng định mình trong 100 ngày bên em thì sự chạm ngõ của Robie Trường với đề tài thể thao trong 11 niềm hy vọng cũng được xem là sự liều lĩnh.

“Ai cũng nói bóng đá là một đề tài khó để làm phim, nhưng động lực lớn nhất của tôi và ê kíp trước những thử thách mà quá trình thực hiện bộ phim mang lại, đó là tình yêu dành cho bóng đá Việt Nam”, anh chia sẻ. 

Cũng trong tháng 8 này, Võ Thanh Hòa với Hoán đổi - bộ phim về đánh tráo số phận, Leon Lê với Song lang về đề tài cải lương đều là những dự án đầy sự tươi mới.

Trong khi đó, tháng 9 sẽ chào đón dự án đặc biệt không kém - Mùa viết tình ca của đạo diễn Thắng Vũ. Một bộ phim ca nhạc hiếm hoi của điện ảnh Việt.  

Vượt khó

Khoan hãy nói đến sự thành công, để tác phẩm có thể hoàn thành và ra mắt khán giả đã là nỗ lực rất lớn của các ê kíp làm phim. Nhắm mắt thấy mùa hè là hành trình kéo dài gần 3 năm, từ việc tự bỏ tiền túi sang Nhật thực hiện bản demo, trình bày ý tưởng xin tài trợ từ phía nước bạn. Tuy nhiên, phút chót 30 công ty, nhà đầu tư đã rút lui khiến ê kíp phải dừng mọi công việc. Cao Thúy Nhi đã phải cầm cố giấy tờ nhà để có thể qua Nhật làm phim một lần nữa. 35 ngày quay tại Nhật với hơn 1.000kg hành lý là những con số nói lên tất cả.

“Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Mọi biến cố đều mang một thông điệp. Nó khiến mình phải tìm một đường đi mới, nhìn vấn đề ở một mặt khác để thấy nó sáng hơn và nhiều lối đi hơn”, Nhi tỏ ra lạc quan. 

Với Duy Joseph, tiêu chí chọn dàn diễn viên hợp vai thay vì người nổi tiếng, đặt trên vai anh nhiều áp lực: “Với một dàn diễn viên trẻ chưa được biết đến, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình quay phim, vì so với diễn viên chuyên nghiệp, các em chưa có kinh nghiệm trước ống kính”.

Nhưng, may mắn lớn nhất của anh chính là việc được đơn vị sản xuất ủng hộ hết mình. Trong khi đó, đạo diễn Việt kiều Leon Lê lại chọn thử thách mình với đề tài văn hóa dân tộc - cải lương, tự mình tìm kiếm từng bối cảnh, tỉ mỉ cho từng trang phục, khung hình. 

Thực tế cho thấy, với những tác phẩm đã ra mắt như: Nhắm mắt thấy mùa hè, Ống kính sát nhân, 11 niềm hy vọng, 100 ngày bên em... có cả sự thành và bại mà chính người trong cuộc cũng nhận ra.

Vũ Ngọc Phượng từng chia sẻ: “Tôi nghĩ, mình hơi tham lam về kịch bản khi vừa cố gắng tạo sự khốc liệt và nỗi buồn cho câu chuyện, đồng thời vẫn muốn có các chi tiết hài”.

Còn Nguyễn Hữu Hoàng khi cố gắng phát triển câu chuyện với nhiều chi tiết đã khiến Ống kính sát nhân giảm đi sự mạch lạc, logic và thiếu cao trào cần thiết. 11 niềm hy vọng đôi khi sa đà vào câu chuyện hậu trường, ngôn ngữ bóng đá trong phim cũng có những chỗ chưa hoàn toàn thuyết phục. 

Với những tác phẩm sắp ra mắt, rất khó để nói trước sẽ thành công đến đâu, dù các nhà làm phim trẻ đều cho thấy nhiệt huyết, sự quyết tâm. Đạo diễn Võ Thanh Hòa từng chia sẻ, với những người trẻ, bắt đầu bất cứ dự án nào đều là hành trình khó khăn. “Làm phim, yếu tố nào cũng phải vượt qua và hướng đến một tác phẩm chỉn chu”, anh nói.

Tin cùng chuyên mục