Cuộc chiến dưới nước

Cứu nạn, cứu hộ đã là công việc vất vả, nguy hiểm. Việc cứu nạn, cứu hộ dưới nước còn thêm phần khó khăn hơn vì nhân viên cứu nạn, cứu hộ dưới nước ở trong tình cảnh như… người mù, không nhìn thấy gì. Mỗi lần tham gia cứu nạn, cứu hộ dưới nước là mỗi lần đối mặt với hiểm nguy.
Các chiến sĩ chuẩn bị lặn tìm xác nạn nhân trong một vụ cứu nạn, cứu hộ
Các chiến sĩ chuẩn bị lặn tìm xác nạn nhân trong một vụ cứu nạn, cứu hộ
Tình nguyện
Chia sẻ về hành trình đến với nghề cứu nạn, cứu hộ, Trung úy Võ Thành Công cho hay: “Lúc ở trường huấn luyện chiến sĩ mới, có các anh làm công tác cứu nạn, cứu hộ đến lớp học kể về chuyện nghề. Tôi nghe một cách say mê nên yêu nghề ngay từ đó và lập tức viết đơn tình nguyện vào lực lượng cứu nạn, cứu hộ”. Đến nay, anh Công đã có 10 năm gắn bó với Đội cứu nạn, cứu hộ dưới nước - một trong hai lực lượng chủ lực (cùng với Đội cứu nạn, cứu hộ trung tâm) trong việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trên địa bàn TPHCM và hỗ trợ các tỉnh bạn.
Không chỉ anh Công, hầu hết cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) cứu nạn, cứu hộ của Phòng Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC TPHCM, đều tự nguyện đến với nghề, cứu nạn người sống hoặc tìm kiếm thi thể người bị nạn, góp phần sẻ chia mất mát của các gia đình. Các anh thổ lộ, ước mơ lớn nhất của những người làm công tác cứu nạn, cứu hộ là cứu sống được người. Triển khai công việc trên bờ dễ hơn so với dưới nước, vì nạn nhân nếu bám được vật nổi thì còn cơ hội cứu sống chứ nếu bị rơi xuống nước, chỉ cần 5 phút thôi là đã nguy hiểm đến tính mạng.
Một trong các vụ cứu nạn, cứu hộ khắc sâu trong tâm trí CB-CS Đội cứu nạn, cứu hộ dưới nước là lần cứu nạn, cứu hộ tàu Dìn Ký bị chìm trên sông Sài Gòn vào năm 2011. Khi tiếp cận hiện trường, mặt sông phủ kín lục bình, vị trí tàu lật không xác định được. Trong cơn mưa, các CB-CS cứu nạn, cứu hộ trồi lên, lặn xuống suốt nhiều giờ liền. Quần thảo trên đoạn sông hơn 1km phía tỉnh Bình Dương và bên bờ huyện Hóc Môn (TPHCM) nhưng dấu vết của con tàu gặp nạn vẫn mất dạng trong màn đêm đen kịt. Trên bờ, tiếng gào thét xé lòng, ai oán của thân nhân nạn nhân. Mệt mỏi và áp lực mỗi lúc một trĩu nặng trên đôi vai các CB-CS cứu nạn, cứu hộ. 
 Sáng hôm sau, dựa theo vết dầu loang, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của TPHCM khoanh vùng khu vực, đi ngược vết dầu loang và tiếp cận được con tàu chìm. Đầu và đuôi tàu bị bàn ghế, vật dụng trên tàu chắn hết lối ra vào. Các cửa sổ đều đóng kín. Sau nhiều lần dùng xà beng phá cửa tàu, Thượng tá Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng phòng cứu nạn, cứu hộ (thời điểm đó là Trung tá, Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ dưới nước) cùng đồng đội mới phá được cửa tàu.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Cứu nạn cứu hộ, nhớ lại phải mất 15 phút, cánh cửa con tàu mới bung ra. Trong bóng tối của lòng sông ở độ sâu 20m, các CB-CS mò mẫm lặn tìm, vừa tìm nạn nhân vừa chuyển đồ vật nghiêng ngả bởi con tàu không ngừng chòng chành dưới dòng nước xoáy để có chỗ đi lại xoay xở. Trong lúc mò mẫm dưới bùn đất, các CB-CS phát hiện được xác nạn nhân đầu tiên và kéo tay nạn nhân để đưa lên mặt nước. Nhưng bỗng các anh cảm giác thi thể nạn nhân rất nặng, dường như có gì đó níu lại. Lát sau, tổ lặn phát hiện ra nạn nhân đang ôm một trẻ em. “Hình ảnh người mẹ đến lúc tắt thở vẫn ôm chặt đứa con vẫn in đậm trong tâm trí các CB-CS tham gia cứu nạn, cứu hộ. Chúng tôi dằn lòng mình và cố gắng gỡ hai mẹ con ra để đưa vào bờ”, Trung úy Võ Thành Công nhớ lại trong xúc động. 
Thoát hiểm 
Cứu nạn, cứu hộ là công tác đặc thù và tương đối nguy hiểm, đòi hỏi người CB-CS không chỉ có sức khỏe tốt mà còn phải có kinh nghiệm, để không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn phải đảm bảo an toàn cho bản thân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Nhờ không ngừng trau dồi kinh nghiệm, CB-CS cứu nạn cứu hộ không ít lần đã thoát hiểm trong gang tấc.
Năm 2014, trong một lần cùng Đại úy Nguyễn Chí Thành (Phó Đội trưởng Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước) lặn tìm một em bé 3 tuổi bị chìm tàu ở sông Sài Gòn, Đại úy Huỳnh Văn Tuấn và anh Thành lặn xuống 21m, chui vào khoang hầm máy. Dưới nước sâu, tối đen như mực, 2 anh không nhìn thấy gì. Qua sợi dây nối giữa 2 người, bất ngờ anh Tuấn cảm thấy anh Thành giãy giụa. Thì ra, ống thở của anh Thành bị sự cố. Lúc này, nếu mất bình tĩnh, phóng thẳng lên mặt nước thì anh Thành có thể đụng khoang tàu hoặc trồi nhanh sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Rất may là khi anh Tuấn nắm chân báo hiệu, anh Thành đã bình tĩnh trở lại khi nhận ống thở từ anh Tuấn, còn bản thân anh Tuấn cũng quên là mình đang… nín thở. Sự nguy hiểm lúc này chuyển sang Tuấn!
Một cái bóp nhẹ báo hiệu vào cánh tay đồng đội. Hiểu ý, anh Thành chuyền ngược ống thở sang anh Tuấn. Cứ thế, 2 đồng đội từ từ lặn ra khỏi khoang tàu, cùng chia sẻ 1 ống thở đi ra khỏi công trình đang sụp đổ dưới nước. “Hai anh em đều bình tĩnh, xử lý tốt tình huống đó nên thoát được nạn. Tình đồng chí, đồng đội càng khăng khít trong những lúc cận kề hiểm nguy”, anh Tuấn chia sẻ.
Nhắc đến những lần thoát hiểm trong gang tấc khi thực hiện nhiệm vụ cùng đồng đội, Trung úy Võ Thành Công không quên lần tham gia tìm kiếm một người mất tích trong vụ tàu chìm trên sông Nhà Bè. Do dòng nước chảy xiết, bất ngờ một con tàu đang neo đậu gần khu vực đang cứu nạn, cứu hộ bị đứt dây neo. Con tàu mấy chục ngàn tấn trôi tự do phăm phăm về hướng chiếc tàu chìm, trong khi bên dưới có tổ lặn gồm anh Công và 2 đồng đội đang làm nhiệm vụ. “Hai con tàu bên trên và bên dưới mặt nước mà đụng nhau, thì người ở giữa sẽ bị ép dẹp lép… như con kiến”, anh Công nhớ lại. Nhận được lệnh của chỉ huy kêu lên gấp, 2 đồng đội của anh Công trồi lên và được đồng đội kéo ngay vào bờ. Hai người vừa vào bờ thì chiếc tàu mất neo đâm sầm vào chiếc tàu bị nạn. Còn anh Công vẫn ở dưới mặt nước. Hiểm nguy rập rình.
Mọi người ngóng trông, tìm kiếm. Không thấy chàng “kình ngư cứu nạn” đâu, đồng đội anh lo lắng nghĩ đến tình huống xấu nhất. Chừng 10 giây sau, anh Công ngoi lên, bơi vào bờ, hoàn toàn lành lặn. Trong vòng tay hoan hỉ của đồng nghiệp và người dân, anh Công rùng mình nghe mọi người kể lại cảnh tượng kinh hoàng trên mặt nước và nhận ra 10 giây vô tình chậm trễ quý giá đã bảo vệ anh trước tử thần. Anh Công cho biết, anh đang lặn quá sâu, khi nhận được lệnh của chỉ huy đã không trồi lên bờ nhanh như 2 đồng đội lặn bên trên. Nếu bữa đó anh lặn bên dưới đồng đội một khoảng cách nhỏ thôi và là người thứ 3 nổi lên cùng đợt thì đã không có ngày hôm nay.

Tin cùng chuyên mục