Cuộc chiến chống thuốc giả

Theo tờ Global Times, tuần trước, trong một chiến dịch truy quét trên cả nước, công an Trung Quốc đã bắt giữ 26 người bị buộc tội bán thuốc giả, trong đó phần lớn là thuốc giảm đau aspirin, trị giá gần 1,5 triệu USD.

Cơ quan chức năng cho biết thành phần thuốc aspirin giả không có hoạt chất và được làm từ tinh bột, đã được đem bán tại 21 tỉnh, thành của Trung Quốc, trong đó có cả Bắc Kinh.

Không riêng gì Trung Quốc, sức khỏe người dân của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đang bị thuốc giả đe dọa. Như tại châu Phi, năm 2017, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có ít nhất 116.000 người ở châu lục này chết vì uống phải thuốc giả trị sốt rét. Trong khi đó, Đại học Edinburgh của Anh ước tính có từ 72.000 - 169.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì kháng sinh giả dùng để trị bệnh viêm phổi...

Ông Eric Bayle, chuyên gia của Trung tâm Bài trừ tác hại môi trường và sức khỏe (OCLAESP), cho rằng thảm họa thuốc giả bắt nguồn từ những nhóm tội phạm có tổ chức. Đó là những đường dây xã hội đen buôn lậu đủ thứ từ vũ khí, ma túy cho đến thuốc men. Chúng có cả bộ máy chuyên đánh cắp kiện hàng, chuyên viên hóa học, vận tải xuyên biên giới… Ngoài ra, Internet bùng nổ đang góp phần giúp buôn lậu thuốc giả dễ dàng hơn, gây khó khăn cho các biện pháp kiểm soát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu một khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và trở thành một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới.

Đa số các loại thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Paraguay, Pakistan và thậm chí từ Anh. Vì vậy, nhiều chuyên gia kêu gọi những quốc gia được xem điểm xuất phát của thuốc giả cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn thảm họa này. Global Times cho hay, cơ quan lập pháp Trung Quốc đang nghiên cứu về một dự thảo luật, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các hình thức xử phạt thật nặng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc bán thuốc giả, thuốc không đạt chuẩn. Ví dụ, các công ty sản xuất hoặc bán vaccine giả sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu nguyên liệu, máy móc và tiền có được từ hoạt động kinh doanh trái phép. Hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình chỉ, trong khi các giấy chứng nhận đăng ký thuốc và thậm chí giấy phép sản xuất sẽ bị thu hồi. Ngoài ra, các hình phạt khác có thể là cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm vĩnh viễn hoặc số tiền nộp phạt sẽ cao hơn từ 15-30 lần doanh thu từ kinh doanh thuốc giả...

Trong khi đó, cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới IBM cho biết họ đang thiết lập một hệ thống kiểm soát sử dụng công nghệ blockchain nhằm ngăn chặn tình trạng dược phẩm giả tràn lan tại châu Phi. Với blockchain, các nhà phân phối và bán lẻ thuốc tham gia vào hệ thống này tại lục địa đen đều có quyền truy xuất nguồn gốc chính xác của dược phẩm, qua đó giúp họ phân biệt được hàng giả và hàng thật. Mặc dù đây là một giải pháp phức tạp được cấu thành bởi sự liên thông giữa hệ thống máy tính khổng lồ trên toàn thế giới, nhưng người sử dụng chỉ cần tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể biết chính xác nguồn gốc dược phẩm. Các công ty dược phẩm như Genentech Inc., AmerisourceBergen Corp.,... ở Mỹ cũng đang tính chuyện sử dụng công nghệ blockchain để kiểm soát thuốc giả.

Tin cùng chuyên mục