Cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp ở Đồng Tháp

Mấy năm nay, Đồng Tháp là địa phương tiên phong thực hiện “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng hiện đại, gắn nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng Tháp cũng là nơi xây dựng được nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, làm tăng thu nhập cho nông dân.

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (ảnh) về những đột phá của địa phương. 

Cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp ở Đồng Tháp ảnh 1 Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

- PHÓNG VIÊN: Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng nông sản như lúa gạo và cá tra giảm mạnh, dịch bệnh lan rộng trên đàn heo…, trong thế khó đó, tỉnh Đồng Tháp đã chọn hướng đi nào để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả?

- Ông LÊ MINH HOAN: Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp và đã triển khai đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” mấy năm qua. Đề án dần lan tỏa rộng khắp, từ hệ thống chính trị đến nông dân, doanh nghiệp. Kết quả bước đầu mang lại được đánh giá cao từ các cơ quan Trung ương, các ngành chức năng…

Tuy nhiên, đi sâu vào tái cơ cấu, với những bất ổn về thị trường, sức ì quán tính từ tư duy của nền nông nghiệp truyền thống luôn lấy sản xuất làm mục tiêu, đã bộc lộ những hạn chế, xuất hiện nhiều điểm nghẽn.

Đây đó còn nhầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu, giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa kinh tế thị trường và kinh tế kế hoạch hóa. Đã đến lúc cần cùng nhìn lại, định vị lại chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Cần tư duy rằng, tái cơ cấu nông nghiệp phải được xem là một “cuộc cách mạng mới”.

Cách mạng là xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn, là sự thay đổi sâu sắc và toàn diện hơn. Nền nông nghiệp mà đề án tái cơ cấu hướng đến là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu.

Vì vậy, Nghị quyết 120/2017/NQ-CP của Chính phủ đã ghi rõ “Phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

- Như vậy, làm thế nào để thay đổi tập quán sản xuất, hướng tới quy mô lớn, đồng thời chuyển từ số lượng sang chất lượng, thưa ông? 

- Đồng Tháp chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp. Muốn có HTX mạnh thì “tinh thần hợp tác” trong nông dân là điều then chốt. Mà muốn bà con hợp tác với nhau trong làm ăn thì phải khơi gợi tinh thần hợp tác trong cuộc sống hàng ngày.

Đó là lý do ra đời các “Hội quán nông dân ở Đồng Tháp” - một không gian cộng đồng linh hoạt để người dân thể hiện vai trò là chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đó không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mà còn là nơi kết nối tri thức, thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân.

Cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp ở Đồng Tháp ảnh 2 Các nhà đầu tư nước ngoài xem sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Đồng Tháp

Như vậy, “Hội quán nông dân”, “hợp tác xã” được thành lập để thay đổi cách sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát, thành cách sản xuất dựa trên quy mô lớn hơn. Sản xuất quy mô lớn là điều kiện để giảm chi phí và nâng cao chất lượng.

Kinh tế tập thể là tiền đề để nông dân tham gia vào chuỗi ngành hàng với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, tạo ra giá trị và thu nhập cao hơn từ các hoạt động bảo quản, chế biến, thương mại, dịch vụ...

Vậy, sự thay đổi đó là một “cuộc cách mạng” cần được nhận thức đầy đủ từ trong cấp ủy, chính quyền và cả xã hội. 

- Thời gian qua, các ngành chức năng ở Đồng Tháp cùng nông dân, doanh nghiệp… đã thay đổi cách nghĩ, cách làm như thế nào nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững? 

- Tiếp xúc với nông dân, cảm thấy vui vì bà con đã dần nhận biết được đâu là nhược điểm của cách nghĩ cũ, cách làm cũ; nhiều bà con đã tự thấy mình cần phải thay đổi.

Tuy nhiên, mọi cuộc cách mạng đều có những khó khăn bước đầu. Đâu phải ngày một, ngày hai cái cũ rũ bỏ ngay được. Đâu phải năm trước, năm sau thì tư duy kinh tế thẩm thấu vào nông dân vốn quá quen thuộc với ruộng vườn, đồng áng. Đâu phải vụ trước, vụ sau là sức ì do quán tính có thể vượt qua được.

Không chỉ còn một bộ phận nông dân tự bằng lòng với cái cũ, mà một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp vẫn có biểu hiện thờ ơ với cái mới. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự thay đổi nhanh chóng đã trở thành thuộc tính.

Cái mới ra đời chưa kịp định hình thì có thể đã có cái mới hơn xuất hiện rồi. Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng đó, chúng ta có 3 sự lựa chọn: hoặc chủ động chấp nhận, hoặc từ chối đứng ngoài cuộc, hoặc chần chừ chờ đợi.

Và, như bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng có người có lúc dao động rời xa mục tiêu, có người kiên định với con đường đã chọn và quyết tâm đi đến mục tiêu cuối cùng, dù có những khó khăn thậm chí là thất bại ở một thời điểm nào đó.  

Cuộc cách mạng nào cũng cần nhiều đội quân cùng tham gia một cách đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, tất cả hướng tới một mục tiêu duy nhất.

Cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp cũng vậy. Để giải lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”, phải cần đến lĩnh vực khoa học công nghệ. Để có thị trường ổn định phải cần đến ngành công thương. 

Nhưng trước hết, ngành nông nghiệp và hệ thống chính trị phải thoát ra khỏi cách vận hành theo “tư duy sản xuất” để hướng tới “tư duy kinh tế”. Mọi kế hoạch của ngành nông nghiệp đều hướng tới mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”.

Tinh thần nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thực hiện xuyên suốt trong cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở công tác quán triệt, sơ kết, tổng kết; không được hô hào khẩu hiệu suông…

Đến nay toàn tỉnh có 75 “Hội quán nông dân”, với 4.000 thành viên; có 14 HTX kiểu mới được thành lập trên nền tảng “Hội quán nông dân”.

Đồng Tháp đang thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch tập huấn, nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân... 

Tin cùng chuyên mục