Cơ chế đặc thù - Động lực thúc đẩy TPHCM phát triển

Cụ thể hóa ý Đảng, lòng dân

Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mở ra cho TP sự phân cấp, phân quyền chưa từng có, tăng tính tự chủ so với trước đây. Vấn đề đặt ra là vai trò của tổ chức đảng các cấp như thế nào để việc triển khai nghị quyết của ý Đảng, lòng dân này đạt hiệu quả cao nhất? Báo SGGP xin giới thiệu một số hiến kế tâm huyết.

Lắng nghe góp ý, phản biện

Cụ thể hóa ý Đảng, lòng dân ảnh 1
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X (Nghị quyết số 08-NQ/TU) về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 54, Thành ủy TPHCM đã xác định 4 quan điểm, 6 nhiệm vụ giải pháp. 
Trong quan điểm đầu tiên, Thành ủy TPHCM xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Đảng bộ và chính quyền TP. Muốn triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP cần chuẩn bị tốt những nội dung trình HĐND TP để HĐND TP quyết định theo tinh thần Nghị quyết 54, nếu không thì Nghị quyết 54 không thể ra cuộc sống. Để những nội dung này chặt chẽ, sát hợp với tình hình của TP, được sự đồng thuận của người dân, thì cần phải lấy ý kiến của nhân dân, của chuyên gia, của nhà khoa học và lắng nghe phản biện của MTTQ, các đoàn thể, chứ không thể chủ quan, duy ý chí; nhất là đối với những vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp, như các khoản thu phí, lệ phí hay hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường...
Chỉ như vậy mới có thể nắm bắt được những việc người dân hài lòng, những điều người dân còn băn khoăn để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt ở cấp phường - xã (nơi gần dân nhất), những vấn đề gì đụng chạm, tác động đến cuộc sống người dân đều phải được lắng nghe. Trong đó, cấp ủy đảng ở cơ sở ngoài nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 thì còn cần lắng nghe ý kiến của người dân để tổng hợp những ý kiến này, báo cáo lên trên. Từ đó mới có thể vừa có những giải pháp phù hợp thực tế khi thực hiện Nghị quyết 54, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của TPHCM.
Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết 54 hiệu quả, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP phải đáp ứng yêu cầu mới của công việc, phù hợp với cơ chế mới Trung ương giao cho TP. Việc triển khai Nghị quyết 54 cần gắn với chủ động sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sao cho phù hợp theo tinh thần tinh giản biên chế. Hiệu quả công việc sẽ là yếu tố quyết định đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức, chứ không phải dựa vào bằng cấp. Mục đích cuối cùng của việc thực hiện Nghị quyết 54 là để TP phát triển xứng tầm, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM 

Sự nỗ lực của từng đảng viên

Cụ thể hóa ý Đảng, lòng dân ảnh 2
Nghị quyết 54 của Quốc hội xét cho đến cùng là thành quả tư duy, những khát vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên của TP; nhất là từ khi có Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Nếu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM thực hiện thành công Nghị quyết 54 thì không chỉ mở ra cơ hội mới, vận hội mới cho TP mà còn cho sự phát triển của cả nước, cho những địa phương có những đặc thù gần với TPHCM. Do là cơ chế thí điểm, thời gian thực hiện ngắn, sau 3 năm phải sơ kết, sau 5 năm tổng kết, nên đòi hỏi không chỉ là quyết tâm chính trị mà còn cả nỗ lực của từng tổ chức đảng đến từng cán bộ, đảng viên.
Các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực tiếp gắn bó với nhân dân phải đưa được những quan điểm mới của Nghị quyết 54 vào trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở; huy động sáng kiến của nhân dân, từ đó khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân để có cách nghĩ mới, cách làm mới. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân và ghi nhận sự đánh giá trong thực tiễn về những thay đổi đời sống vật chất, tinh thần, công ăn việc làm của người dân do các cơ chế đặc thù này đem lại, thì mới có nội dung để sơ kết, tổng kết đúng đắn. Chẳng hạn, Quốc hội cho phép trên lĩnh vực quản lý đất đai, HĐND TPHCM quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên.
Khi chuyển mục đích sử dụng đất, vấn đề liên quan lớn nhất để làm dự án là đền bù giải tỏa, thu hồi mặt bằng. Nếu chúng ta không làm công tác vận động nhân dân, không giải thích, thuyết phục nhân dân rằng các dự án đó lợi ích cho TP, lợi ích cho cả nước nhưng cũng có lợi ích thiết thân cho người dân như thế nào, thì rất khó để người dân tự giác giao đất đúng tiến độ. Khi đó dự án bị kéo dài, giá đền bù tăng lên, khiếu kiện nảy sinh… Chủ trương dù có đúng mà người dân không đồng thuận thì cũng làm giảm hiệu quả trong thực hiện các dự án.
Xét cho đến cùng, Nghị quyết 54 của Quốc hội chính là ý Đảng, lòng dân. Chính vì thế, các tổ chức đảng ở cơ sở tại TPHCM phải làm sao cụ thể hóa Nghị quyết 54 thành những kế hoạch, mục tiêu, việc làm cụ thể gắn với từng địa bàn, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau. Điều này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo trong suy nghĩ, hành động của các tổ chức đảng ở những lĩnh vực hoạt động khác nhau tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn nếu triển khai nghị quyết theo công thức từ trên chỉ đạo xuống, sau đó dưới báo cáo lên trên là đã triển khai rồi, mà mọi việc vẫn làm theo cung cách cũ, mô hình cũ, cách nghĩ cũ, thì Nghị quyết 54 rất khó đi vào cuộc sống.
Tiến sĩ NGUYỄN VIỆT HÙNG - Học viện Cán bộ TPHCM

Các cấp ủy đảng chịu trách nhiệm về hạn chế, thiếu sót

Cụ thể hóa ý Đảng, lòng dân ảnh 3
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 tạo ra sự đột phá trong tư duy và hành động kiến tạo, quản lý, phát triển TPHCM - một TP lớn nhất nước, vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước, có đóng góp lớn về trí tuệ, kinh nghiệm và nguồn lực cho sự phát triển của cả nước. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 54 vào thực tế, từ cấp TP đến cấp quận - huyện, phường - xã, các cấp ủy đảng cũng như chính quyền cần phải tự đánh giá đúng, rà soát nhận thức và thực tế của mình về những nội dung liên quan đến cơ chế phân cấp đặc thù được đề cập trong Nghị quyết 54.
Từ đó đề xuất các ý kiến, kiến nghị trong vận dụng thực hiện cơ chế đặc thù để tạo động lực mới, đảm bảo cho sự phát triển đột phá và đồng bộ từ cấp TP đến cấp quận - huyện, cấp cơ sở, cũng như các ban ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Các cấp ủy đảng phải nắm chắc, quán triệt tinh thần nghị quyết, xem lại cơ quan, đơn vị liên quan đến nội dung này như thế nào; triển khai thực hiện ra sao để phù hợp với những quy định của pháp luật, quy định của Quốc hội, chương trình hành động cụ thể của Thành ủy, của HĐND TP, của UBND TP, để kiến nghị giải quyết những vấn đề khó khăn và phát sinh. Chẳng hạn như, vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý phải có những chính sách đòn bẩy, vận dụng sao cho sát đúng với tài năng và cống hiến của từng người, tạo động lực thật sự. 
Đồng thời, phải thực hiện quyết liệt hơn, có hệ thống hơn về công tác kiểm tra, giám sát. Bởi lẽ, nếu không kiểm tra, không giám sát thì coi như không lãnh đạo, quản lý. Mà nhân dân không thực hiện việc phản biện, giám sát của mình với các cơ quan đảng và chính quyền thì cũng coi như không thực hiện được quyền làm chủ, dân chủ của mình. Có kiểm tra, giám sát tốt thường xuyên, đúng luật, mới động viên được những người có sáng kiến, có đóng góp thật sự cho phong trào, đồng thời sớm uốn nắn được những lệch lạc, vì nếu không có thể dẫn đến sai sót kéo dài.
Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát thường là để phát hiện và xử lý sai phạm, chứ chưa làm tốt vai trò khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, năng động, sáng tạo. Công tác kiểm tra cần gắn với công tác dân vận, công tác phản biện, giám sát xã hội, biết lắng nghe ý kiến bên dưới, những bức xúc của người dân để giải quyết kịp thời. Đảng đề ra nghị quyết, chính quyền cụ thể hóa thành chương trình hành động và trực tiếp thực hiện, thì Đảng có trách nhiệm kiểm tra các cơ quan chính quyền thông qua tổ chức của mình, và cũng tự kiểm tra mình là đúng. Tuy nhiên, hiện ít có cơ chế kiểm tra ngược lại.
Ví dụ như việc đánh giá quá trình chỉ đạo của cấp ủy đảng có mặt gì hạn chế, chưa tốt, thì chỉ có bản thân cơ quan đảng tự kiểm điểm, chứ ý kiến nhận xét, phản biện, giám sát, kiểm tra của chính quyền, của các đoàn thể và của người dân theo pháp luật vẫn còn chưa rõ, hoặc còn dè dặt, hạn chế. Do vậy, theo tôi, trong việc thực hiện cơ chế đặc thù mới với tư duy đột phá về phân cấp như Nghị quyết 54 của Quốc hội nói trên, cần bổ sung cơ chế và thực hiện sự kiểm tra, giám sát, tương tác hai chiều trực tiếp hay gián tiếp, để thể hiện rõ Đảng, các cấp ủy đảng còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước chính quyền, trước pháp luật về quyết định của mình, như Hiến pháp 2013 đã hiến định. 
Tiến sĩ HỒ BÁ THÂM

Tin cùng chuyên mục