Cụ thể hóa “Nói không với rác thải nhựa”

Phát biểu tại buổi lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9-6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. 

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Thủ tướng kêu gọi nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa để toàn xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Những mô hình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cần được nhân rộng ra cả nước và có nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa thay thế.

Theo nhiều chuyên gia về môi trường, để thực hiện có hiệu quả chủ trương “Nói không với rác thải nhựa”, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn nữa, đặc biệt rất cần có quyết tâm của những người có thẩm quyền trong việc thực thi các chính sách về bảo vệ môi trường. Nên bắt đầu từ việc nêu gương, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các công sở.

Tiếp đến, cần phải có một kế hoạch tổng thể từ việc vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho tới ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường đi kèm với những quy định khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Giảm cầu phải giảm cả nguồn cung - những cá nhân, doanh nghiệp vẫn muốn dùng hoặc sản xuất đồ nhựa không thân thiện với môi trường phải trả giá cao cho quyết định của mình.

Ví dụ như, khi vào siêu thị, nếu muốn dùng túi ni lông để đựng đồ, người mua hàng phải trả tiền mua túi. Doanh nghiệp dùng chai nhựa khó phân hủy để đựng sản phẩm phải chịu thêm thuế bảo vệ môi trường… 

Trong công tác khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cũng cần có nhiều chính sách thiết thực hơn. Một doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy từng chia sẻ với chúng tôi rằng, sản phẩm của công ty ông xuất ra nhiều nước trên thế giới song khó trụ được ở thị trường trong nước do giá thành sản phẩm còn cao.

Nếu được giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi trong việc thuê đất làm nhà xưởng thì doanh nghiệp này có thể hạ giá thành sản phẩm. Cũng như vậy, nhiều ý tưởng mới rất cần được hỗ trợ như việc làm ống hút bằng tre, gói hàng bằng lá chuối trong các siêu thị… nếu được áp dụng miễn giảm thuế hoặc tạo điều kiện cho mở rộng sản xuất, thì sẽ phát triển nhanh và căn cơ hơn. Đây là những hỗ trợ cụ thể hết sức cần thiết trong bối cảnh “cuộc đua” về giá thành sản phẩm và cả sự tiện dụng hiện vẫn đang còn nghiêng về các sản phẩm nhựa nói chung và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần nói riêng.

Tiếp nối “Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa”, ngay từ bây giờ, cần phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể triển khai rộng khắp có hiệu quả chủ trương ở tất cả các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp, để có thể đạt mục tiêu mà Thủ tướng đã kêu gọi phấn đấu: Đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Tất cả phải được thực thi nghiêm túc, liên tục và thường xuyên, phải quy cho được trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào làm yếu kém, làm chậm. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn cho mai sau.

Tin cùng chuyên mục