TPHCM – Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên

Công viên phần mềm Quang Trung - Mô hình mẫu tiên phong cả nước

TPHCM xây dựng mô hình công viên phần mềm thành công, trở thành một điểm thu hút đầu tư quan trọng cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm của TPHCM cũng như cả nước. Sự thành công của mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc hình thành chủ trương, chính sách phát triển các khu công nghệ cao và khu CNTT tập trung sau này của Việt Nam.
Ươm mầm cho CNTT phát triển

Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC - Quang Trung Software City) tọa lạc tại quận 12, được UBND TPHCM thành lập từ năm 2001 trong bối cảnh chủ trương của Nhà nước coi việc xây dựng nền kinh tế tri thức là con đường đi tắt, đón đầu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại. QTSC được chọn là 1 trong 12 chương trình trọng điểm của TPHCM giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, để QTSC có tiền đề tốt trở thành trung tâm phần mềm Việt Nam và khu vực nói chung là xuất phát từ tầm nhìn và sự quyết liệt, nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM trong việc trân trọng ý tưởng, ươm mầm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT phát triển. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực nhớ lại vào những năm 1990, khi bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, TPHCM bị hấp dẫn bởi sự phát triển công nghệ và mạng internet. Lúc này, một số nhà trí thức Việt kiều cũng bày tỏ mong muốn có các đóng góp phát triển CNTT trong nước.
Công viên phần mềm Quang Trung - Mô hình mẫu tiên phong cả nước ảnh 1 Đội ngũ lao động trẻ tại Global Cybersoft - một doanh nghiệp  hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung
Ảnh:  VIỆT DŨNG
 “Tôi có dịp tiếp xúc với TS Trần Hà Nam, là người du học từ Pháp về và giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Anh ấy có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về CNTT nhưng công việc giảng dạy chưa phát huy được hết khả năng, trí tuệ. Do vậy, anh Nam quyết định thành lập Công ty SCITEC (tên đầy đủ là Công ty cổ phần Tư vấn và Dịch vụ khoa học kỹ thuật) để thực hiện mong muốn đóng góp cho sự phát triển CNTT trong nước”, đồng chí Phạm Chánh Trực nhớ lại và khẳng định sự ra đời của doanh nghiệp CNTT đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển CNTT của TPHCM.
Sau những lần tiếp xúc với TS Trần Hà Nam, đồng chí Phạm Chánh Trực (khi ấy đang là Phó Chủ tịch UBND TP, được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế - đối ngoại) rất khuyến khích, ủng hộ đối với hoạt động của Công ty SCITEC. “Sau đó, nhiều công ty khác hoạt động cùng lĩnh vực cũng đăng ký thành lập”, đồng chí Phạm Chánh Trực kể và cho biết lúc đó TPHCM nhận thấy cần phải có sự hỗ trợ, tạo đà cho các doanh nghiệp này lớn mạnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển CNTT. Từ đó, Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn (SSP- Sài Gòn Software Park, ở số 123 Trương Định, quận 3) ra đời. Nơi đây vốn là trụ sở của Thành ủy, được nhường lại làm nơi các doanh nghiệp CNTT tụ hội, hoạt động và ý tưởng thành lập Công viên phần mềm Quang Trung cũng bắt nguồn từ đây.  Đồng chí Phạm Chánh Trực cho biết, lúc này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân (hiện là Bí thư Thành ủy TPHCM) phụ trách lĩnh vực khoa học công nghệ đề xuất sử dụng khu đất rộng hơn 40ha của Khu triển lãm Hội chợ Quang Trung (quận 12) làm công viên phần mềm. Sau khi tham khảo mô hình của một số nước tiên tiến trên thế giới, tháng 10-2000, TPHCM chính thức khởi công xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung và đến tháng 3-2001, QTSC chính thức hoạt động. QTSC là mô hình thí điểm đầu tiên và chưa có tiền lệ trong cả nước. Hiện nay, QTSC đã trở thành một thương hiệu uy tín và mô hình này được nhân rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước.Hậu cần tốt cho doanh nghiệp Công viên phần mềm Quang Trung được xây dựng để phát triển dựa trên 6 trụ cột: Cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ chuẩn quốc tế; Đào tạo nguồn nhân lực; Cung ứng môi trường làm việc chuyên môn cao; Thành lập các viện nghiên cứu; Khuyến khích đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi; Khai thác sự hợp tác giữa Nhà nước - tư nhân - quốc tế. QTSC là công trình trọng điểm của TPHCM nhưng được tổ chức và hoạt động dựa trên mô hình doanh nghiệp, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý vừa thực hiện mục tiêu kinh tế, phát triển các dịch vụ để tự cân đối và kinh doanh có lãi. Thông qua mô hình này, QTSC có được sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và thu hút được nguồn lực trẻ, tài năng. Đồng thời, ngay từ đầu, QTSC được thiết kế theo định hướng mô hình đô thị phần mềm (software city). Ban đầu chỉ với 21 doanh nghiệp, thời điểm này đã thu hút được 150 doanh nghiệp CNTT đến từ những nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ…, trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 người. Các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 250 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ xuất khẩu cho hơn 20 quốc gia, tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Như vậy, sau 16 năm hình thành và phát triển, đến nay QTSC đã chính thức trở thành một “software city” phục vụ cho 20.555 người học tập, làm việc thường xuyên. Trong năm 2017, Tập đoàn tư vấn KPMG xếp QTSC đứng thứ 3 trên tổng số 8 khu công nghệ tại châu Á khi đánh giá về các yếu tố liên quan đến hiệu quả hoạt động, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông; đứng thứ 4 khi đánh giá về quy mô, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, mức độ thu hút vốn FDI, quy mô doanh nghiệp FDI, nguồn nhân lực… Nhìn tổng thể, QTSC được đánh giá là một khu công nghệ với chính sách ưu đãi vượt trội, thu hút đa dạng nhà đầu tư từ các ngành nghề khác nhau. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu đều phát triển bền vững và ngày một lớn mạnh. Từ nền tảng này, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển QTSC (đơn vị quản lý và vận hành QTSC), đặt mục tiêu sẽ xây dựng QTSC trở thành mô hình quản lý mẫu về đô thị thông minh (smart city) đầu tiên của cả nước. Cạnh đó, QTSC còn được kỳ vọng sẽ trở thành chỉ dẫn địa lý tin cậy trên bản đồ phần mềm thế giới, đưa QTSC vào tốp 10 công viên phần mềm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực gia công, phát triển phần mềm và nội dung. “QTSC là ví dụ điển hình về hiệu quả của mô hình đòn bẩy hợp tác công tư. Những yếu tố quyết định cho sự thành công của QTSC là việc chính quyền biết lắng nghe doanh nghiệp và có các cơ chế, chính sách, làm hậu cần thật tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, để từ đó mang lại nhiều lợi ích cho xã hội”, đồng chí Phạm Chánh Trực đúc kết.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng QTSC là 1 trong 10 công trình và sự kiện trọng điểm của TPHCM trong 40 năm (1975- 2015). QTSC là công viên phần mềm đầu tiên tại Việt Nam nhận được giấy chứng nhận Khu CNTT tập trung của Bộ TT-TT. Ngày 3-3-2016, Thủ tướng đồng ý thí điểm chuỗi QTSC để phát huy vai trò, thương hiệu sẵn có, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo, với hai thành viên ban đầu là QTSC hiện hữu và Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM.
Như vậy, từ xuất phát điểm chỉ với 250 người, TPHCM đã xây dựng QTSC thành công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam, trở thành một điểm thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT và phần mềm, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục