Công tác chống ngập thời gian qua còn nhiều hạn chế

 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng thời gian qua công tác chống ngập còn nhiều hạn chế, nhiều đơn vị chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chống ngập...
Nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM bị ngập nước sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: ĐAN NGUYÊN
Nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM bị ngập nước sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: ĐAN NGUYÊN

Ngày 13-6, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP. Tham dự buổi giám sát có Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng các sở ngành, quận huyện.

Tại buổi làm việc, Phó ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng báo cáo khái quát kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 gồm 34 nhiệm vụ với 5 nhóm giải pháp.

Để từng bước xóa, giảm ngập trên địa bàn TP, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, TP triển khai các dự án thuộc 2 quy hoạch chính.

Đó là, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020 (quy hoạch 752), với vùng nghiên cứu rộng 581km² được chia thành 6 vùng thoát nước gồm Trung tâm, Bắc, Nam, Tây, Đông Bắc, Đông Nam. Tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống cống đạt 6.000km và cải tạo, nạo vét 4.369km kênh, rạch thoát nước; xây dựng hệ thống hồ điều tiết để hỗ trợ cho hệ thống thoát nước khi xảy ra những trận mưa cực đoan. Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP (quy hoạch 1547) với tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500 ha, với 13 cống kiểm soát triều và hệ thống đê bao dài 172 km.

Chương trình giảm ngập nước của TP thời gian qua đã hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân TP. Đặc biệt, nhiều tuyến đường trước đây được xem là "rốn ngập” nay không còn ngập như khu vực Vòng xoay Cây Gõ, đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai (quận 1), Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Lý Thường Kiệt...

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn nên giai đoạn 1 (2015 - 2020) chỉ tập trung giải quyết khu vực trung tâm TP (550km²). Tổng nguồn vốn dự kiến bố trí trong trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với các dự án cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước là 11.056 tỷ đồng.

Cụ thể, 27 dự án chuyển tiếp có 19/27 dự án đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả chống, giảm ngập cho các khu vực như quận 5, 9, quận Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi. Tổng mức đầu tư các dự án 1.843 tỷ đồng. 8/27 dư án đang triển khai thi công và 7 dự án cơ bản hoàn thành trong năm nay, 1 dự án hoàn thành trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.275 tỷ đồng.

20 dự án vừa được HĐND TP thông qua trung hạn ngày 11-5 vừa qua, dự kiến khởi công cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. 3 dự án về các giải pháp công nghệ, điều khiển, quan trắc với tổng mức đầu tư khoảng 3.784 tỷ đồng chưa thể triển khai do chưa cân đối được nguồn vốn. 7 dự án chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nên cũng chưa triển khai được. TP cũng đang hoàn thiện quy hoạch 103 vị trí hồ điều tiết cần đâu tư xây dựng, trải khắp địa bàn các quận huyện.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, hầu hết các dự án chậm tiến độ là do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, UBND TP cần sớm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để quận huyện chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là chính sách giá đền bù, hỗ trợ còn nhiêu khê khiến thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng hiện nhiều dự án đưa vào hoạt động nhưng kết nối chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp, bằng chứng là hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Quá, Mai Xuân Thưởng đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng mưa vẫn bị ngập. Đặc biệt sự phối hợp giữa các cơ quan còn vênh nhau... Việc xử lý tình trạng lấn chiếm, lấp kênh rạch chưa quyết liệt. TP cần rà roát lại kênh rạch có còn chức năng thoát nước hay không để có hướng xử lý. Đối với công trình bờ hữu sông Sài Gòn đang xuống cấp, ảnh hưởng 27.000 hộ dân nhưng chưa có đơn vị tiếp nhận quản lý để duy tu sửa chữa. Việc triển khai các dự án chống ngập liệu có đạt được như kế hoạch đề ra không?! Hiện 2 quy hoạch trên (752 và 1547) lạc hậu, không còn phù hợp, TP đã có đề xuất thay đổi bổ sung gì chưa?

Giải đáp một số vấn đề liên quan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Trực cho rằng, để không ngập thì phải có chỗ chứa nước, quy hoạch chưa bài bản, tiền ít công trình làm cũng rời rạc, tính kết nối chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. TP đã phân cấp 2.954 tuyến kênh rạch cho các quận huyện quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Về điều chỉnh quy hoạch, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết, hiện TP đang xem xét điều chỉnh lại quy hoạch 752 và xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh, chắc chắn sẽ điều chỉnh lại. Trước mắt xử lý ngập bằng cách dùng hệ thống máy bơm, tích hợp về các trạm bơm đã được xây dựng.

Giải đáp thêm một số ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, việc quản lý vùng ven, ngoại thành chưa tốt về nhiều mặt, do biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún, dân số tăng, nói chung cái gì cũng tăng nhưng hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư kịp thời và không đồng bộ nên tình trạng ngập chưa thể giảm ngay được. Trong hơn 2 năm qua TP thực hiện 5 nhóm giải pháp và nhiều dự án, nhìn chung TP không còn cảnh ngập như 5-7 năm về trước. Đơn cử, quận 6 sau khi hoàn thiện hệ thống thoát nước nhiều nơi không còn ngập. Tuy nhiên, có dự án chỉ mới giảm ngập. Thời gian tới TP sẽ tính toán nhiều giải pháp để tránh tình trạng công trình đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả thấp. TP cũng sẽ rà soát lại công tác phân cấp quản lý, điều chỉnh quy hoạch, quy trình thẩm định hồ sơ, cốt nền… để thực hiện các hạng mục dự án đồng bộ nhằm phát huy tối đa hiệu quả...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận sự nỗ lực của UBND TP trong thời gian qua đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan trong công tác giảm ngập. Nhiều dự án triển khai đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên kết quả thực hiện còn chậm, nguồn vốn không đảm bảo, thủ tục nhiêu khê khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Việc kết nối các công trình sau khi đưa vào vận hành chưa đồng bộ nên hiệu quả còn hạn chế. Công tác chỉ đạo còn lúng túng, phối hợp các sở ngành, quận huyện còn nhiều bất cập. Công tác dự báo, lập các kế hoạch, điều tra khảo sát còn chậm. Tóm lại, thời gian qua, công tác chống ngập còn nhiều hạn chế. Nhiều đơn vị chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chống ngập. Vì vậy, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành, quận huyện trong việc triển khai dự án cũng như quản lý, vận hành công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Tin cùng chuyên mục