Công nhân TPHCM sống ra sao? - Bài 1: Làm tối đa, hưởng tối thiểu

Sau một thời gian làm công nhân ở TPHCM, nhiều người đã kiến tạo được cuộc sống tươm tất, ổn định. Tuy vậy, phần lớn công nhân ở TP vẫn chỉ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống, thậm chí phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Họ phải xoay xở nhiều cách, gồng mình duy trì cuộc sống.

LTS: TPHCM có khoảng 2,2 triệu công nhân (chiếm trên 50% lực lượng lao động của TP) đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thu nhập của công nhân những năm qua đã được cải thiện nhiều, song nhiều người lao động vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống, phải tăng ca, làm thêm giờ để trang trải các nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình trong những căn nhà trọ chật chội. Trong khi đó, đời sống tinh thần còn nhiều thiếu thốn.

Đời sống - cả vật chất và tinh thần - của công nhân TPHCM được Báo SGGP phản ánh qua loạt bài “Công nhân TPHCM sống ra sao?”. Những phác họa về đời sống công nhân hàm chứa từng “ước mơ bé mọn” của mỗi công nhân, lẫn kỳ vọng về chất lượng cuộc sống tốt hơn đối với đông đảo công nhân, người lao động - những người đang ngày đêm góp sức cống hiến cho TPHCM. 

Cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm
Anh Lưu Văn Khải (45 tuổi, quê Hải Dương, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), sau một thời gian làm công nhân may ở TPHCM, đã mở công ty riêng chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu. Có công ty riêng, anh Khải không những tự tạo việc làm cho mình và vợ, mà còn giúp hơn 10 người khác có việc làm. Anh có điều kiện mua nhà phố ở quận Gò Vấp, cuối tuần, cuối tháng thường đưa vợ con đi nghỉ ngơi, du lịch.
“Nếu cứ làm công nhân, làm ngày làm đêm, siêng năng mỗi tháng giỏi lắm được 10 triệu đồng, thì không biết bao giờ mới đủ tiền lo cho 2 con ăn học, có tiền gửi về quê, đừng nói đến việc mua nhà hay đi du lịch các nơi”, anh Khải tính toán và tìm hướng đi khác.
Tương tự, anh Nguyễn Quang Kỳ (37 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Thịnh Việt) cũng từng là một công nhân mưu sinh vất vả. Đang là công nhân, anh Kỳ đi học Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng, rồi học tiếp Đại học Kinh tế TPHCM. Vừa học vừa làm. Sau đó, anh Kỳ mở cửa hàng và thành lập công ty bán thiết bị inox. 
Công nhân TPHCM sống ra sao? - Bài 1: Làm tối đa, hưởng tối thiểu ảnh 1 Để có đủ chi phí trang trải cuộc sống, nhiều công nhân làm việc tại TPHCM phải vắt kiệt sức tại các nhà xưởng. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Không ít công nhân ở TPHCM đã vươn mình đổi đời, kiến tạo một tương lai khác hẳn như anh Kỳ, anh Khải. Tuy vậy, phần lớn công nhân vẫn vất vả mưu sinh, vắt kiệt sức mình cho công việc với những bữa ăn kham khổ, thiếu thốn.
Thậm chí, công nhân đang “ăn vào chính mình” khi tranh thủ bán sức lao động, làm ngày làm đêm để có tiền trang trải cuộc sống. Gặp lại Phạm Thị Thanh Hoa (24 tuổi, công nhân may tại huyện Hóc Môn) sau gần nửa năm, tôi ngỡ ngàng thấy chị Hoa sút đi hơn 5kg.
Chị phân trần: “Chuyển qua chỗ làm mới, tăng ca nhiều nên em ốm xíu thôi. Ngủ ít, ăn không được nhưng bù lại lương cao hơn. Vài tháng nữa hàng ổn, nghỉ ngơi nhiều em lại lên ký thôi”.
Chỗ làm mới của Hoa là một xưởng may tư nhân. Chủ xưởng thuê căn phòng, ngăn ra chỗ đặt máy may để thợ làm việc, chỗ để cho Hoa với một số công nhân khác làm nơi ăn, ngủ. Bữa cơm chiều được Hoa dọn ra lúc gần 20 giờ.
Thực đơn gồm: cơm, mấy con cá biển kho, dĩa rau muống luộc và tô canh nước luộc rau. Nữ công nhân Nguyễn Hồng Nhanh (17 tuổi) xuề xòa bảo: “Nấu vậy cho nhanh, còn tranh thủ thời gian làm tiếp nữa. Hôm nào hàng ít, tụi em cũng nấu cầu kỳ một chút để… tẩm bổ”.
Hàng ngày, Hoa và mấy chị em góp tiền lại rồi cắt cử nhau người đi chợ, người nấu ăn, người rửa chén, người giặt quần áo. “Phân công vậy để có thời gian ngồi máy làm việc. Mình làm ăn sản phẩm nên tranh thủ được lúc nào hay lúc nấy” - vừa nói, Hoa vừa tranh thủ ăn cho xong chén cơm rồi vội vàng ra ngồi máy. Bữa cơm công nhân đạm bạc, mọi người ăn qua loa trong vòng 20 phút rồi lại tiếp tục công việc may vá.
23 giờ, tiếng những chiếc máy may bên ngoài vẫn chạy đều. Thỉnh thoảng, các cô gái nói một điều gì đó với nhau và cười rộ lên.
Có tiếng Nhanh vang lên giữa tiếng kêu buồn tẻ của những chiếc máy may: “Nói chuyện gì vui cho bớt buồn ngủ các chị ơi. Mắt em mở hết nổi rồi”.
Những cô gái tuổi đôi mươi lại ráng pha trò, biến tiếng cười thành liều thuốc chống buồn ngủ giữa đêm khuya. Hơn nửa tiếng sau, khi kim đồng hồ nhích dần về con số 0 giờ, Nhanh mới đứng dậy, rời khỏi chiếc máy may. Nhanh vào phòng, mình mẩy ê ẩm, đặt lưng xuống chiếu, chỉ kịp nói vài câu cho có chuyện với tôi, rồi đã miên man chìm vào giấc ngủ từ lúc nào. Gần 1 giờ sáng, tiếng chiếc máy may cuối cùng cũng tắt. Hoa bước vào giường ngủ, mệt lả, quăng người xuống giường chìm vào giấc ngủ đón sẵn.
Những “chiếc bánh mì kẹp”
Cuộc sống của công nhân vốn rất khó khăn, với công nhân có con nhỏ còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Đó là thế hệ công nhân không khác gì “chiếc sandwich - bánh mì kẹp” với trách nhiệm kép - trên thì lo cha mẹ già ở quê, dưới thì lo cho con trẻ.
Với vợ chồng chị Trịnh Thị Hồng Phấn (quê Hoài Ân, Bình Định), khó khăn càng chồng chất hơn. Kinh tế khó khăn, đầu năm 2014, gửi lại đứa con trai đầu 5 tuổi nhờ ông bà ngoại nuôi giùm, vợ chồng chị Phấn cùng con trai thứ hai mới hơn 1 tuổi “Nam tiến”.
Hành trang giá trị nhất của gia đình chị Phấn là hy vọng: hy vọng cuộc sống mưu sinh nơi xa xứ sẽ bớt khổ. Tại TPHCM, chị Phấn xin vào làm công nhân may cho một cơ sở ở quận 8; chồng làm phụ hồ, sơn nước.
Tan ca lúc 18 giờ, chị Phấn chạy xe ra chợ Bùi Minh Trực mua vội vài trứng vịt và mớ rau chuẩn bị cơm tối. Lúc này, chồng chị cũng đã ghé nhóm trẻ đón con trai về phòng trọ. Bữa ăn tối cũng là buổi sum vầy trong ngày của gia đình anh chị diễn ra chóng vánh trong 1 giờ.
Sau đó, chị Phấn cùng chồng lại soạn túi vải nhận may gia công tại nhà để tăng thêm thu nhập. Chị Phấn cho biết, 3 năm nay, công việc mỗi ngày của vợ chồng chị đều diễn ra như vậy.
Công nhân TPHCM sống ra sao? - Bài 1: Làm tối đa, hưởng tối thiểu ảnh 2 Công nhân đi mua thức ăn sau 1 ngày làm việc . Ảnh: VIỆT DŨNG

“Quần quật vậy chứ thu nhập cả tháng cao lắm của vợ chồng em cũng chỉ 13 triệu đồng. Lo hết tất cả các khoản nhà trọ, điện, nước, tiền ăn, gửi trẻ, sữa cho con, rồi gửi về quê, có tháng chẳng còn đồng nào dằn túi, dù cố gắng tằn tiện. Nói thiệt, có tháng, hàng gia công tại nhà bị hụt, vợ chồng em phải ăn mì gói để dành tiền lo cho con và cha mẹ già yếu ở quê. Thương nhất là đứa lớn gửi cho ông bà, không chỉ thiếu ăn thiếu mặc mà thiếu tình cảm của cha mẹ. Lắm lúc muốn nghỉ việc về quê với con vài ngày nhưng nghĩ đến cảnh thâm hụt sau đó, lại thôi”, kể đến đây, hai mắt chị Phấn liên tục chớp chớp cố ngăn dòng lệ đừng tuôn.

Nói về tương lai mình mong đợi, chị Phấn cho biết, luôn ao ước có một căn hộ nhỏ để gia đình chị được đoàn tụ, không cần dư dả, chỉ cần đủ ăn, đủ mặc.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân có con nhỏ cho biết, có khi họ phải nghỉ việc chỉ vì không tìm được chỗ gửi trẻ, hoặc có nhưng nơi gửi trẻ quá xa nơi làm việc của cha mẹ, hoặc phí giữ trẻ vượt khả năng. Trường hợp của chị Đặng Thị Minh (công nhân Công ty Pouyuen, quận Bình Tân) là một điển hình.

Chị Minh cho biết, nơi làm việc có nhà giữ trẻ cho con công nhân nhưng số lượng rất ít, chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ. “Năm ngoái, tôi đăng ký chậm nên đã hết chỗ. Không có hộ khẩu ở TPHCM, tôi phải đến nhóm trẻ tư nhân ở gần nơi trọ tại phường Bình Trị Đông để gửi bé nhưng ở đây phí gửi lại quá cao, hơn 2 triệu đồng/tháng. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành phải chuyển lên Phạm Văn Hai (Bình Chánh) thuê trọ và gửi bé với giá nhẹ hơn. Đổi lại, chặng đường đi làm xa hơn gấp 4 lần”, chị Minh chia sẻ.
Theo chị Minh, vất vả lớn nhất của công nhân có con nhỏ hiện nay là không tìm được nơi gửi trẻ vào ban đêm, công nhân dù muốn tăng ca để có thêm thu nhập cũng không được.
“Tôi nghĩ, về lâu dài, chính quyền, công đoàn các cấp cần có chính sách, hỗ trợ công nhân về mặt này. Bởi hiện nay, không chỉ thiếu nhà giữ trẻ cho công nhân vào ban đêm mà nhà giữ trẻ cho con công nhân vào ban ngày cũng thiếu trầm trọng”, chị Minh mong mỏi.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, toàn quận hiện có 4 cụm - khu công nghiệp và hơn 42.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với khoảng 350.000 công nhân làm việc. Với số lượng lớn công nhân như vậy, nhà giữ trẻ cho con công nhân là vấn đề nan giải nhất hiện nay.
“Nhà giữ trẻ cho con công nhân thì phải gần nơi công nhân làm việc, thế nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn đều không có quỹ đất”, ông Thiện cho biết. Trước thực tế trên, từ năm 2015 - 2018, quận Bình Tân đã xây mới 15 trường từ nguồn vốn ngân sách, tuy nhiên đây chỉ mới giải quyết phần nhỏ nhu cầu nhà giữ trẻ cho con công nhân.

Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày

Theo báo cáo của Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM năm 2018, khi khảo sát 11 doanh nghiệp FDI tại Khu công nghiệp Linh Trung I, nơi có đông công nhân thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức lương cơ bản trung bình là 4,78 triệu đồng/người/tháng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng/người/tháng. So sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng, nhưng có tới 9,1% có không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Về tình hình chung thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy, chỉ có 17,4% người lao động cho biết có dư và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

Tin cùng chuyên mục