Công nghệ kết nối vạn vật trong tầm tay

Những năm trước, rất nhiều tập đoàn công nghệ, đơn vị dịch vụ công nghệ đã đến TPHCM giới thiệu về NB-IoT (công nghệ giúp triển khai kết nối vạn vật) với nhiều lợi ích và tính thiết thực, song ít được quan tâm. 

Đến khi Viettel công bố đã triển khai thành công NB-IoT tại hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2019 với chủ đề “Intelligent Connectivity - Kết nối thông minh” diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha), việc triển khai kết nối vạn vật thật sự có nhiều cơ sở vững chắc để phát triển.

Từng nói nhiều về NB-IoT

Nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy công nghệ IoT phát triển nhanh và mạnh hơn, những năm gần đây, ngành công nghiệp thông tin di động đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và chuẩn hóa một lớp công nghệ thông tin dạng mạng tế bào dành riêng cho các ứng dụng IoT.

Trong đó đáng chú ý, công nghệ NB-IoT tập trung vào việc phủ sóng trong nhà, hạ giá thành thiết bị, tăng tuổi thọ pin và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng.

Hay công nghệ LTE-M cho phép các thiết bị IoT chạy bằng pin kết nối trực tiếp tới mạng 4G mà không cần cổng kết nối. Về phía các nhà mạng 4G, họ không cần thay đổi ăng ten thu phát mà chủ yếu là nâng cấp phần mềm để hỗ trợ LTE-M.

Hay nói cách khác, NB-IOT tận dụng các cơ sở hạ tầng 4G LTE hiện có gồm các trạm gốc và ăng ten, là lợi thế rất lớn vì giúp việc thiết lập thời gian cần thiết có thể được giảm một cách đáng kể. NB-IoT sử dụng băng thông hẹp 200KHz nên công nghệ này phù hợp với nhu cầu thông lượng thấp và ít sử dụng pin của thiết bị. Công nghệ này sẽ tạo ra vô số cơ hội kinh doanh bằng cách xóa mờ sự phân biệt giữa các ngành công nghiệp với nhau…

Với những lợi ích như vậy, từ năm 2017, Samsung Việt Nam đã ký kết hợp tác với một đối tác cung cấp giải pháp NB-IoT nhằm tăng tốc các nhà khai thác dịch vụ IoT trên toàn quốc.

Cũng từ năm 2017, các tiêu chuẩn LTE-M và NB-IoT được đặc biệt quan tâm, nghiên cứu và triển khai trên phạm vi toàn cầu. LTE-M và NB-IoT thu hút được sự chú ý và đầu tư của các nhà khai thác dịnh vụ thông tin di động, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin di động, nhà sản suất chipset và mô-đun IoT, công ty cung cấp thiết bị và cả các nhà sản xuất thiết bị đo kiểm liên quan tới IoT.

GSA (Global mobile Suppliers Association - Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động toàn cầu) cho rằng, chúng ta đã chứng kiến 4G LTE là công nghệ thông tin di động được triển khai nhanh và mạnh nhất trong lịch sử phát triển của ngành thông tin di động và điều tương tự cũng đang xảy ra với IoT. 

Tiếp theo đó, trong năm 2018, hàng loạt tập đoàn công nghệ tên tuổi trên thế giới đã đến TPHCM giới thiệu về IoT và trong đó công nghệ NB-IoT được giới thiệu với hàng ngàn ứng dụng thiết thực… song ít được quan tâm.

Mạng IoT thương mại 

Trong sự kiện của hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2019 với chủ đề “Intelligent Connectivity - Kết nối thông minh” diễn ra tại Barcelona, việc Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA) công bố danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới đã triển khai thành công NB-IoT (công nghệ giúp triển khai kết nối vạn vật); trong đó với đại diện duy nhất đến từ Việt Nam là Viettel, cho thấy triển vọng của công nghệ NB-IoT tại Việt Nam.

Phía Viettel cho hay, việc triển khai thành công NB-IoT là kết quả nghiên cứu thử nghiệm suốt 2 năm gần đây của đội ngũ kỹ sư Viettel. Trước đó, vào đầu tháng 12-2018, Viettel đã kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên cùng nền tảng (platform) cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội. Với sự kiện này, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công mạng IoT thương mại. Toàn bộ hệ thống hạ tầng và nền tảng cho IoT của Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp cho khách hàng vào nửa đầu năm 2019.

Hiện Tập đoàn Viettel đang thử nghiệm một số ứng dụng dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như đậu xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (air monitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)… Đây là những ứng dụng ban đầu để tạo cơ sở cho sự phát triển và bùng nổ hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian sắp tới.

Gần 40.000 trạm 4G phủ rộng khắp Việt Nam là một trong những lợi thế lớn của Viettel trong việc chủ động triển khai IoT. Theo kế hoạch, Viettel sẽ hoàn thành phủ sóng NB-IoT toàn bộ tại Hà Nội và TPHCM trong quý 1-2019, trước khi từng bước đầu tư diện rộng trên toàn quốc và các thị trường nước ngoài (Peru, Campuchia, Tanzania...).

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Trong cuộc cách mạng 4.0, Viettel xác định phải trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam. Hiện nay, khái niệm khách hàng đã được mở rộng, không chỉ là con người. Khách hàng là vạn vật. Với định nghĩa ấy, con số khách hàng phải là hàng tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ. Việc triển khai thành công NB-IoT là minh chứng hiện thực hóa sứ mệnh của Viettel, thể hiện cam kết, nỗ lực vì một xã hội thông minh, một Việt Nam hiện đại hơn”.

Tin cùng chuyên mục