Cởi bỏ tâm lý áp đặt trong nhà trường

Sau hàng loạt “cái tát” vào ngành giáo dục xảy ra thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản chỉ đạo “nóng” các sở GD-ĐT quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, tuân thủ nghiêm túc các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, bộ cũng chỉ đạo mỗi tỉnh, thành phố thành lập các đoàn công tác kiểm tra cơ sở giáo dục về triển khai thực hiện các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo, tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh. 

Đáng nói là với khối lượng công việc không hề nhỏ, việc chấn chỉnh không phải ngày một ngày hai thì cơ quan chủ quản lại yêu cầu các sở GD-ĐT báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện các quy định trước ngày 20-1-2019. Điều này đồng nghĩa các địa phương chỉ có hơn 1 tháng để hoàn tất các việc kiểm tra, đánh giá, tổ chức tập huấn cho giáo viên, bồi dưỡng kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống sư phạm, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh cũng như thực hiện cam kết “không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh” trên địa bàn. Động thái này được xem là một trong những nỗ lực của ngành trong việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, lấy lại niềm tin vốn đang “tuột dốc không phanh” trong xã hội về tính mô phạm, quy chuẩn của nghề giáo. 

Song cách thức triển khai có phần vội vàng đã khiến dư luận lo ngại liệu sẽ có thêm những bảng báo cáo thành tích được “tô hồng”, trong đó hầu hết gạch đầu dòng chỉ được triển khai trên giấy hơn là phát huy hiệu quả thực tế. Và quan trọng trên hết, tình trạng bạo hành có được cải thiện hay sẽ ẩn mình sâu hơn dưới những vỏ bọc hình thức khác, khó quản lý hơn? 

Hiệu trưởng một trường THPT theo mô hình tiên tiến hội nhập trên địa bàn TPHCM bày tỏ, những lần chấn chỉnh trước đây như quản lý dạy thêm, học thêm, siết lại tính công bằng, dân chủ trong kết quả đánh giá thi cử của học sinh, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đã có nhiều cải thiện. Dĩ nhiên, đó là những tiêu cực thể hiện ra bên ngoài, có thể lượng hóa bằng những thống kê, đánh giá hữu hình về mặt con số. Nhưng đối với vấn đề đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh chệch choạc trong xây dựng văn hóa học đường, nếu làm không khéo sẽ chỉ khiến giáo viên thêm tâm lý co mình, ngại bị đánh giá, đụng chạm, từ đó chọn giải pháp an toàn là “dạy hết kiến thức rồi về, ngó lơ, thậm chí bỏ mặc học sinh cá biệt”. Duy trì cách quản lý này tuy bề nổi có thể giảm thiểu nguy cơ gây bạo lực, hoàn thành mục tiêu trước mắt là xây dựng môi trường giáo dục an toàn nhưng về lâu dài sẽ tạo ra một thế hệ các thầy, cô giáo chỉ biết cúi đầu, ngại bày tỏ quan điểm cá nhân, thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh. Trong môi trường giáo dục đó, người học có thể lành mạnh về tri thức nhưng khiếm khuyết về đạo đức và tinh thần. Từ thực tế đó, nhà giáo này kiến nghị Bộ GD-ĐT không nên đặt vấn đề chấn chỉnh đạo đức nhà giáo một cách riêng lẻ mà nên đặt trong mối quan hệ với ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên, quan tâm vấn đề văn hóa ứng xử đặc thù của lĩnh vực cũng như tác động từ hàng loạt yếu tố mang tính thời đại như cách nhìn thay đổi của xã hội về quan hệ thầy - trò, sự lên ngôi của các phương tiện giao tiếp, thông tin hiện đại như Facebook, Zalo… để điều chỉnh phương pháp quản lý cho phù hợp.

Mặt khác, sẽ thiếu công bằng với giáo viên nếu trường học đề cao vai trò làm chủ, tính cá biệt của học sinh nhưng lại bỏ qua yêu cầu được tôn trọng quyền làm chủ phương pháp giảng dạy của mỗi thầy cô giáo. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu xây dựng nền giáo dục mang tính phản biện nhưng môi trường làm việc đã và đang tước đi quyền được phản biện của chính đội ngũ được trao trọng trách giảng dạy. Ở đó, từ năm học này qua năm học khác, giáo viên luôn đè nặng áp lực bởi các chỉ số thành tích (bao nhiêu học sinh xếp loại khá, giỏi, bao nhiêu học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quận, thành phố…), phải nỗ lực hoàn thành tất cả chỉ đạo, kế hoạch chuyên môn do phòng, sở đề ra. Từ đội ngũ giáo viên này tiếp tục sản sinh ra “thế hệ F1” học trò chỉ biết ngoan ngoãn, vâng lời, không dám phản biện, ngại bày tỏ suy nghĩ cá nhân trước những yêu cầu vô lý của người lớn. Tuy nhiên, cùng đội ngũ giáo viên và học sinh đó, nếu đặt trong môi trường sư phạm dân chủ, cởi mở, người dạy lẫn người học đều được tạo điều kiện trình bày quan điểm cá nhân thì những hành vi phản cảm sẽ nhanh chóng bị loại bỏ bởi chính phản ứng từ đồng nghiệp và những học sinh khác. Khi đó, bạo lực không có cơ hội nảy sinh và yêu cầu chấn chỉnh đạo đức nhà giáo sẽ mang ý nghĩa thực chất, không còn xơ cứng là những quy định “được phép làm” hoặc “không được phép làm” từ cơ quan quản lý.

Để lấy lại niềm tin trong xã hội, trách nhiệm của ngành giáo dục là cần tìm hiểu, phân tích thấu đáo nguyên nhân gây ra các vụ bạo lực trong trường học, từ đó có biện pháp phòng ngừa hợp lý, không để xảy ra sự việc tương tự. Trong đó, yêu cầu thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định chỉ phát huy hiệu quả khi cái gốc của vấn đề là nhận thức của giáo viên được cải thiện. Chỉ khi đội ngũ giảng dạy cởi bỏ hoàn toàn tâm lý bị áp đặt, thật sự phát huy được vai trò làm chủ thì những nỗi sợ hãi, bất an trong trường học mới được trị tận gốc. Khi đó học sinh sẽ được “cởi trói” và lãnh đạo ngành không phải thốt lên những câu “rất buồn và đáng tiếc”. Song để làm được điều đó cần sự vào cuộc đồng lòng của cả hệ thống quản lý, trong đó đòi hỏi sự dũng cảm, dám đối mặt với vấn đề chứ không phải kiểu “sở chờ phòng, phòng chờ trường, trong khi trường loay hoay với họp kiểm điểm, chờ giáo viên viết tường trình” như cách làm của chúng ta hiện nay.

Tin cùng chuyên mục