Có một Thời thanh niên sôi nổi…

Tuổi trẻ của tôi và những người bạn đồng trang lứa, những người sinh ra và lớn lên ở những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước, luôn gắn liền với những bài hát Nga và đất nước Nga, con người Nga hồn hậu. 
1. Ngày ấy, bố tôi đi học từ Nga trở về, chỉ có 3 món quà, 1 con búp bê Nga tóc vàng, khi nằm thì nhắm mắt, đứng lên mở mắt; một ít kẹo chocolate đen gói giấy thơm lừng; vài đĩa nhạc Nga, loại đĩa than thịnh hành lúc bấy giờ.
Lúc đó, không phải nhà nào ở Hà Nội cũng có cái máy nghe đĩa than, nên mấy cái đĩa bố đem về thật sự là cả gia tài. Căn nhà mà chúng tôi đang sống có đến mấy hộ gia đình cùng chen chúc, một nhà mở nhạc là cả hộ cùng nghe.
Tối đến, đám trẻ lắc lư, còn người lớn uống trà với chút ít kẹo lạc, hay đơn giản chỉ là mấy miếng đường cấp theo tem phiếu. Cứ thế, giai điệu Nga len lỏi vào cuộc sống của chúng tôi. 
Những bài hát Nga thời ấy đã hòa vào tâm hồn, đời sống văn hóa của một bộ phận không nhỏ người Việt. Không hẳn những người yêu mến nhạc Nga là những người có cơ hội được học tập, sinh sống tại nước Nga. Có thể đó là những người học tiếng Nga hay có người yêu học ở Nga, yêu mến xứ sở Bạch Dương.
Đến nay, đã có hơn 100 bài hát Nga được dịch sang tiếng Việt, trong đó nổi tiếng có các bài Triệu đóa hồng, Đôi bờ, Tình ca du mục, Kachiusa, Mẹ yêu dấu của tôi, Thời thanh niên sôi nổi, Cây thùy dương, Xiberi nở hoa, Cuộc sống ơi ta mến yêu người, Đại bàng con...
Những lời bài hát đó, bao thế hệ người Việt đều thuộc nằm lòng. Những bài hát Nga hầu hết đều ngắn gọn, âm nhạc giản dị và đặc biệt là mang tính đại chúng, dễ đi vào lòng người, thể hiện một tinh thần Nga kiên cường, bất khuất; những bản tình ca khắc họa một tính cách Nga nồng nhiệt, chân thành và lạc quan. Những yếu tố này gần gũi với tâm hồn người Việt nên càng gắn bó với người Việt.
Có một Thời thanh niên sôi nổi… ảnh 1 Một tác phẩm được trình diễn tại chương trình ca nhạc kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại TPHCM
Bạn bè đồng trang lứa với tôi hầu như rất yêu nhạc Nga. Tôi không dùng từ thích, vì chỉ có yêu nhạc Nga thì họ mới trung thành với dòng nhạc này đến vậy. Mãi sau này, khi có dịp làm việc tại nước Nga, tôi mới hiểu vì sao dòng nhạc Nga - Xô Viết vẫn có một sức sống mãnh liệt với người dân Nga hiện tại. Họ yêu nước, yêu tinh thần Nga, ý chí Nga, nên với họ, âm nhạc truyền thống luôn mãi trường tồn.
Tôi đã từng gặp một nhóm bạn trẻ ở Saint Petersburg trong một câu lạc bộ, họ say sưa đàn hát Kachiusa, Cánh đồng Nga… Một bạn trẻ nói, dù ở thời điểm nào thì những bài hát đó, với họ vẫn sống mãi, vì thể hiện được sức sống Nga mãnh liệt. Họ cũng cập nhật những bài hát hiện đại từ phương Tây, nhưng với nhạc Nga, vẫn có một không gian riêng trong lòng mỗi người. 
Còn nữa, tại những lễ hội âm nhạc, không thiếu hình ảnh người dân Nga, đủ mọi lứa tuổi say mê hát những giai điệu của âm nhạc Xô Viết, với thái độ trân trọng, hạnh phúc. Thật đáng quý. 
2. Trong số những bài hát Nga mà tôi biết, tôi hát và tôi cũng như bạn bè ở thế hệ mình yêu mến thì Thời thanh niên sôi nổi có một sức hút kỳ lạ. Bài hát của nhà soạn nhạc Nga - Xô Viết Aleksandra Nikolaevna Pakhmutova, sáng tác trên lời thơ của nhà thơ Oshanin, được coi như hiện thân của ký ức tươi đẹp của một thời tuổi trẻ.
Dù sương gió tuyết rơi/ Dù vắng ngôi sao giữa trời/ Ngàn trái tim với tiếng ca/ Thúc ta nhịp chân lên đường xa. Lời bài hát cũng là lời hiệu triệu đầy tinh tế, là biểu tượng cho thế hệ trẻ Xô Viết sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ cần những hợp âm đầu tiên với nhịp hành khúc sôi động, Thời thanh niên sôi nổi đã đem đến một cảm giác rộng ràng. Người trẻ không thể bình thản trước cuộc sống, khi Tổ quốc cần, phải cống hiến và lao động. Lời kêu gọi của Thời thanh niên sôi nổi không giáo điều, hô khẩu hiệu, mà buộc người trẻ phải nhúc nhích, cầm súng, cầm liềm, ra trận và lao động xây dựng đất nước.  
Trong những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, tình yêu của những người Việt Nam dành cho âm nhạc và con người xứ sở Bạch Dương lại trỗi dậy mãnh liệt. Họ thông tin với nhau những chương trình truyền hình, những đêm nhạc về nước Nga.
Những nhóm “đồng hương Nga” lại rủ nhau tụ họp. “Đồng hương” khi là cùng học ở Nga, cùng làm việc ở Nga, hay đơn giản chỉ là những người yêu quý nước Nga, yêu nhạc Nga, có dịp cùng ngồi với nhau, cùng cất vang những lời ca tiếng hát. Ai cũng có một “thời thanh niên sôi nổi” và dịp này, họ lại được sống lại với một thời tuổi trẻ khát khao, thêm trân quý cuộc sống hòa bình.

Tin cùng chuyên mục