Cơ hội và thách thức trước 4.0

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CN 4.0) được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển dành cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn có những thách thức hiện hữu khi đối mặt với tác động của cách mạng CN 4.0 này.

 

 

Robot làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Robot làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp ở TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Thay đổi mô hình sản xuất

Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc cách mạng CN 4.0 được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mô hình sản xuất và kinh doanh của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai không xa. Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng CN 4.0 được dự đoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nước ta trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Có thể dễ dàng nhận biết, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, lợi ích của cuộc cách mạng CN 4.0 thông qua hàng loạt ứng dụng đang sử dụng hàng ngày như Grab, Uber, Traveloka… Đây đều là những ứng dụng mang lại sự tiện ích cao cho người tiêu dùng với giá cả phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Bởi khi có cuộc cách mạng CN 4.0, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội cải tiến phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ; nhiều ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến, trở nên thông minh hơn; nhiều mô hình kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ mới được hình thành. Dẫn chứng khi áp dụng trong thực tế, TS Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty Polyco, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á, cho biết để đón đầu cuộc cách mạng CN 4.0, doanh nghiệp đã đầu tư và thay đổi hiện trạng nhà máy hiện có sang hướng nhà máy thông minh với các dữ liệu được số hóa, tích hợp hệ thống quản lý doanh nghiệp bằng phần mềm EPR, MES theo tiêu chuẩn quốc tế… Về phía nhà trường, đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao đến từ các ngành tự động hóa, công nghệ thực phẩm, điện điện tử, nhiệt lạnh, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo máy… “Đây là một trong những nền tảng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho cuộc cách mạng CN 4.0”, TS Đinh Văn Thành nhấn mạnh.

Tương tự, trong lĩnh vực năng lượng, tại hội thảo về sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo được tổ chức mới đây, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn và lượng tiêu thụ dự kiến còn tăng cao trong thời gian tới. Nhưng khi nhìn sang nước Đức, có thể thấy hình ảnh ngược lại là người dân đã tự sản xuất điện cho nhu cầu sử dụng của mình, không những giúp giảm gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia mà họ còn kiếm được tiền nhờ bán điện cho Chính phủ. Có được điều này là nhờ người dân đã áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời trong mỗi căn nhà. Ban ngày, khi ánh nắng mặt trời nhiều, lượng điện sản xuất ra được tích vào các bộ lưu điện, sau khi sử dụng còn thừa sẽ bán lại cho Chính phủ. Nhờ đó, hiện nay người dân đã chủ động được nguồn điện cho nhu cầu sử dụng. Các công nghệ tiên tiến này có thể được xuất khẩu sang các quốc gia kém phát triển hơn.

Sức ép lớn

Mặc dù cơ hội rất lớn, nhưng sức ép từ cuộc cách mạng CN 4.0 cũng mang lại không ít thách thức. Cụ thể, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực, như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao… Mặt khác, có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Khảo sát mới đây cho thấy, hiện có tới 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chủ yếu sử dụng lao động trình độ thấp. Thực tế, phần nhiều doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn sử dụng công nghệ 2.0, một số đang ở giai đoạn giữa 2.0 và 3.0. Có 95% doanh nghiệp Việt Nam dùng Internet, nhưng 60% trong số đó gặp khó khăn khi ứng dụng Internet vào các hoạt động. Bất cập hiện nay của các doanh nghiệp là không đủ khả năng số hóa, ứng dụng dữ liệu lớn vào phân tích, thiết kế, sâu chuỗi thành những chuỗi giá trị.

Theo bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, để đón đầu cơ hội và giải quyết các thách thức của cuộc cách mạng CN 4.0, thời gian qua đơn vị đã chủ động triển khai nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Trong đó, chú trọng các giải pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế theo hướng rà soát, lồng ghép các nội dung về tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng CN 4.0 trong các chiến lược, chính sách phát triển ngành công thương; rà soát, sửa đổi, đề xuất mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới… Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng có phương án hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển các công nghệ của cuộc cách mạng CN 4.0; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của các cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc cách mạng CN 4.0.

Tin cùng chuyên mục