Cơ hội tan băng

Ngày 25-10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến công du Trung Quốc đầu tiên trong 7 năm qua. Sự kiện này được dư luận đặc biệt chú ý vì lãnh đạo 2 nước đều có lập trường tương đồng về thương mại như phản đối chủ nghĩa đơn phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ Trung - Nhật tiếp tục được cải thiện.

Trong thời gian thăm Trung Quốc, Thủ tướng Abe sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, trao đổi ý kiến về cải thiện, phát triển quan hệ Trung - Nhật và tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị giữa 2 nước. Phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, ông hy vọng đây là cơ hội thiết lập một bước tiến mới trong quan hệ 2 bên thông qua các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo và mở rộng giao lưu giữa người dân 2 nước. Thủ tướng Abe cho rằng, 2 quốc gia đều có trách nhiệm trong việc duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực. 

Trước đây, chính quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc giúp ông Abe lên nắm quyền năm 2012, khi 2 nước tranh cãi liên quan tới tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo trên biển Hoa Đông. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng 2 bên có thể tìm được tiếng nói chung, giữa lúc Bắc Kinh đang vướng vào cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Washington. Theo giới quan sát, để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, Nhật Bản không thể bỏ qua quan hệ kinh tế với đối tác nhiều tiềm năng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn chứng kiến quan hệ song phương được bình thường hóa, để họ có thể cạnh tranh với các đối thủ Mỹ và châu Âu. Trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là lĩnh vực kinh tế số và việc mở cửa hơn nữa thị trường Trung Quốc. 

Về phần mình, Bắc Kinh cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Tokyo. Trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, Trung Quốc không muốn đánh mất bạn hàng thương mại cực kỳ quan trọng là Nhật Bản. Trung Quốc còn hoan nghênh Nhật Bản tham gia giải quyết các vấn đề chung như ô nhiễm môi trường và già hóa dân số. Trung Quốc cũng hy vọng Thủ tướng Abe sẽ đưa ra tuyên bố ủng hộ dự án Vành đai và Con đường. Theo giới chức Trung Quốc, việc Nhật Bản tham gia vào dự án này có thể giúp cải thiện hình ảnh của dự án Vành đai và Con đường, cũng như làm dịu đi mối lo ngại của các quốc gia mắc nợ. Trước đó, giới chức quốc phòng Nhật Bản từng bày tỏ lo ngại về vấn đề quân sự khi Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh dự án này. Nhật Bản hiện đang theo đuổi chiến lược Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhằm thúc đẩy thương mại tự do và cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông. 

Theo giới quan sát, trọng tâm chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe nhiều khả năng nhằm hiện thực hóa chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Xét trong bối cảnh thương mại quốc tế đang diễn ra nhiều biến động như hiện nay, việc tập trung hợp tác đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau thì không chỉ Trung - Nhật được hưởng lợi ích mà còn có lợi cho cả bên thứ 3, nhất là khi kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, 2 bên sẽ nỗ lực làm việc để cùng nhau duy trì chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do khi cuộc xung đột thương mại đang leo thang đe dọa cản trở sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục