Cơ hội đôi bên

Năm 2018 là một năm đầy sự kiện đối với chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Ngày 13 đến 15-11-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin  thăm Singapore và tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 13. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi Nga trở thành thành viên EAS vào năm 2010. Tổng thống Putin cũng đại diện Nga tại Hội nghị thượng đỉnh lần 3 về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai ngày sau đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế của Nga Aleksey Bogaturov, Moscow tăng cường tham gia các cơ chế đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương vào thời điểm những mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực ngày càng trầm trọng, mở ra cơ hội để Nga có thể đưa ra một nghị trình hợp tác hơn nữa cho các nước trong khu vực. Việc Moscow tích cực hơn trong các cấu trúc hợp tác đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương cho thấy còn nhiều nơi khác để hướng đến cả về chính trị lẫn kinh tế. Quan hệ với ASEAN rõ ràng được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng cho một sự chuyển hướng như vậy, với một tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần 3 về quan hệ đối tác chiến lược Nga-ASEAN vào tháng 11-2018 tại Singapore. Nga quan tâm đến việc phát triển các nguyên tắc hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN. Nếu Nga và ASEAN thực sự thúc đẩy thành công sự hợp tác giữa các liên minh hội nhập trong tương lai gần, nó sẽ mang ý nghĩa quan trọng không chỉ bó hẹp trong quan hệ EAEU - ASEAN.

Với EAS - diễn đàn được thành lập vào năm 2005 - bao gồm ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ), chỉ 5 năm sau khi được lập ra, sự trỗi dậy nhanh chóng về kinh tế của Trung Quốc khiến các quốc gia ASEAN lo ngại rằng cấu trúc này sẽ trở thành nơi Trung Quốc thống trị. Việc lôi kéo Nga và Mỹ vào EAS là một cách để giải quyết những lo ngại này. Sự tham gia của Tổng thống Nga trong hội nghị năm 2018 là những cử chỉ mang tính biểu tượng và vấn đề về uy tín. Đó là một cử chỉ đã được chờ đợi từ lâu để thể hiện sự chú ý tới các đối tác của Nga ở châu Á. Đối với ASEAN, đây là một tín hiệu cho thấy quả thực Nga đã sẵn sàng hỗ trợ các thể chế khu vực bị gạt ra ngoài lề bởi sự cạnh tranh giữa những dự án toàn khu vực do Trung Quốc và Mỹ đề xuất. Hơn nữa, chỉ cách đây vài năm, lập trường tích cực hơn của Nga trong các cơ chế đa phương đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực do sự xuống cấp nhanh chóng của quan hệ Nga-Mỹ và tác động tiêu cực tiềm ẩn của nó đối với các thể chế khu vực. Hiện các hành động của Nga được nhìn nhận là hoàn toàn không có khả năng khiến các liên minh này phân cực.

Riêng khối APEC, năm 2018, các mâu thuẫn trong khu vực đã được phản ánh rõ nét thông qua những tranh cãi về quá trình tự do hóa thương mại và kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Nga có cơ hội khá thuận lợi để trở thành bên quan sát những tranh chấp đang diễn ra... Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là liệu Nga có thể thúc đẩy hơn nữa các động lực hợp tác với các thể chế đa phương cũng như với hàng loạt quốc gia khu vực hay không?

Tin cùng chuyên mục